Đối thoại 3 bên Ấn Độ- Hàn Quốc- Nhật Bản: Kêu gọi sự hợp tác trên biển

Ấn Độ kêu gọi Hàn Quốc, Nhật Bản tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải và tiếp tục ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển

Các quan chức, nhà ngoại giao Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc đối thoại 3 bên đầu tiên ở New Delhi (Ấn Độ) hôm 29-6, tập trung bàn về những vấn đề khu vực, toàn cầu và những biện pháp cải thiện sự hợp tác 3 bên trong thời gian tới.

Theo hãng tin PTI, vấn đề an ninh hàng hải và tình hình biển Đông là những chủ đề được nói đến nhiều tại cuộc đối thoại này. Phát biểu tại cuộc gặp, ông Sanjay Singh, một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, kêu gọi sự hợp tác thay vì cạnh tranh trong các vùng biển và đại dương. Theo hãng tin PTI, ông Singh đặc biệt nhấn mạnh đến tiềm năng hợp tác lớn ở biển Đông nhưng thừa nhận khu vực này đang chứng kiến những tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.
img
Một trong những tàu chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận ở Hawaii. Ảnh: WLSAM.COM
Ông cho biết: “Mục tiêu chung của chúng tôi là nhìn thấy các vùng biển, đại dương trở thành nơi hợp tác thay vì cạnh tranh, nhất là khi an ninh năng lượng và thương mại của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào chúng. Chúng tôi muốn tìm kiếm một châu Á không có mối đe dọa của khủng bố, sự phổ biến của vũ khí cấm, nạn cướp biển và sự xung đột giữa các nước”. Theo ông Singh, tình hình biển Đông hiện nay đòi hỏi 3 nước cần tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải, đồng thời tiếp tục ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển.

Hãng tin IANS nhận định rằng cuộc đối thoại 3 bên Ấn Độ - Hàn Quốc - Nhật Bản nói trên rất đáng chú ý trong bối cảnh tình hình trên biển hiện nay và cấu trúc an ninh ở Đông Á đang có sự thay đổi. Trước đó, cơ chế đối thoại Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ cũng được tiến hành, tập trung vào việc mở rộng các hợp tác chiến lược, trong đó có hợp tác hàng hải.

22 nước tập trận hải quân

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới diễn ra ở bang Hawaii (Mỹ) từ ngày 29-6 đến 3-8, quy tụ 25.000 thủy thủ và quân nhân, 42 tàu chiến, 6 tàu ngầm, 200 máy bay đến từ 22 nước.
Cuộc tập trận này - gọi là Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), diễn ra 2 năm 1 lần - tập trung vào nhiều hoạt động như: săn tàu ngầm, bắt cướp biển, giúp đỡ dân thường trong thiên tai. Đô đốc Cecil Haney, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho hãng tin AP biết cuộc tập trận nhằm giúp cải thiện khả năng ứng phó những tình huống khẩn cấp của các nước tham gia. Cuộc tập trận năm nay diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.