Hồng Kông im lặng về số phận Snowden

Các nhà làm luật Hồng Kông kêu gọi để Trung Quốc quyết định có cho Mỹ dẫn độ Edward Snowden hay không

Chính quyền Mỹ đã truy tố Edward Snowden, người tiết lộ các chương trình theo dõi mật mang tên PRISM của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Với 3 tội danh: Đánh cắp tài sản chính phủ, chuyển thông tin mật cho một bên không có thẩm quyền, tiết lộ thông tin tình báo về liên lạc - 2 tội danh sau dựa trên Đạo luật Gián điệp 1917, Snowden có thể ngồi tù tối đa 30 năm. TheoWashington Post, tờ báo đầu tiên đưa tin về quyết định truy tố, lệnh truy tố hình sự đề ngày 14-6, chỉ 5 ngày sau khi Snowden tự tiết lộ thân phận và được công khai ngày 21-6.

Cũng theo Washington Post, Mỹ đã đề nghị Hồng Kông bắt giữ tạm thời Snowden. Hãng tin AP dẫn 2 nguồn tin ở Mỹ cho biết nước này đang chuẩn bị yêu cầu dẫn độ Snowden. Mọi ánh mắt đổ dồn về Hồng Kông nhưng chính quyền nơi này vẫn im lặng.

img
“Người thổi còi” Edward Snowden liên tục xuất hiện trên báo đài Hồng Kông. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo ngắn gọn ngày 22-6, cảnh sát trưởng Hồng Kông Tăng Vĩ Hùng chỉ nói vụ việc sẽ được xử lý theo pháp luật Hồng Kông. Tờ Apple Daily địa phương đưa tin Snowden đang được cảnh sát Hồng Kông bảo vệ trong một “ngôi nhà an toàn”. Tờ báo còn nói cảnh sát chỉ kiểm tra giấy tờ để chắc chắn “người thổi còi” không ở quá hạn chứ không hề đả động những việc khác.

Trong khi đó, các nhà làm luật Hồng Kông cho rằng nên để chính phủ Trung Quốc ra quyết định cuối cùng về việc có cho Mỹ dẫn độ Snowden hay không. Nghị sĩ Lương Quốc Trung đặt vấn đề Bắc Kinh nên hướng dẫn Hồng Kông cách bảo vệ Snowden khỏi bị dẫn độ trước khi vụ việc bị đưa ra tòa. Còn ông Lý Trụ Minh, nhà sáng lập Đảng Dân chủ, tiên đoán Bắc Kinh sẽ không can thiệp khi chưa đến bước cuối. “Nếu tòa án tuyên bố cho dẫn độ, ông Snowden có thể kháng án và đó là lúc Trung Quốc ra quyết định” - ông Lý nói.

Một kịch bản khác: Snowden có thể xin tị nạn chính trị. Nếu được chấp thuận, ông sẽ “miễn nhiễm” với yêu cầu dẫn độ. Ngoài ra, theo tờ Los Angeles Times, hiệp ước dẫn độ mà Hồng Kông và Mỹ ký kết năm 1996 không có tác dụng đối với các tội danh chính trị, mà cáo buộc gián điệp có thể liệt vào dạng này.

Bên cạnh đó, hãng tin Reuters cho biết doanh nhân người Iceland Olafur Vignir Sigurvinsson đã chuẩn bị sẵn một chuyên cơ để chở Edward Snowden đi ngay khi Iceland đồng ý cho ông tị nạn. Sigurvinsson là giám đốc của DataCell, một trong những công ty trung gian thanh toán tiền cho trang web WikiLeaks.