Kết cục nào cho khủng hoảng vùng Vịnh?

Năm 2017, những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã thất bại.

Rất khó đoán điều gì sẽ xảy ra trong năm nay vì nhiều diễn biến không tuân theo các quy tắc ngoại giao quốc tế chuẩn mực.

Ít nhất 2 kịch bản có thể xuất hiện trong bối cảnh hiện nay. Kịch bản đầu tiên là cuộc khủng hoảng sẽ giữ nguyên hiện trạng - tức Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain tiếp tục phong tỏa Qatar. Ả Rập Saudi và UAE dường như đang thúc đẩy tình hình đi theo hướng này. Kịch bản thứ hai là cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết, cho phép GCC phục hồi chậm nhưng không triệt để do sự mất lòng tin lẫn nhau.

Kết cục nào cho khủng hoảng vùng Vịnh? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo GCC tại hội nghị thượng đỉnh ở Riyadh - Ả Rập Saudi ngày 21-5-2017 Ảnh: REUTERS

Trong trường hợp khủng hoảng tiếp tục kéo dài trong năm 2018, GCC sẽ dần mất vai trò và vị thế. Trục Ả Rập Saudi - UAE - Bahrain được củng cố và các nước này có thể đẩy mạnh các thỏa thuận song phương và ba bên. Tromg khi đó, Qatar sẽ tiếp tục tìm kiếm sự bảo đảm về an ninh và phát triển kinh tế bên ngoài vùng Vịnh.

Trong năm nay, hợp tác quân sự, kinh tế, thương mại giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến được tăng cường. Quan hệ Qatar - Iran vẫn duy trì với ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế. Riêng Kuwait và Oman sẽ tiếp tục cố gắng hàn gắn mối quan hệ trong lòng GCC dù khả năng thuyết phục còn hạn chế. Đáng lo hơn, nhiều nước Ả Rập sẽ lâm vào cảnh bất ổn bởi họ chịu sức ép phải chọn đứng về phe nào.

Để cuộc khủng hoảng được giải quyết trong năm nay, có 2 điều cần phải xảy ra: trục chống Qatar nhận thấy họ đang đi vào ngõ cụt và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép để Ả Rập Saudi và UAE chuyển hướng. Điều đầu tiên sẽ phụ thuộc vào khả năng chống chọi áp lực chính trị, kinh tế từ phe chống mình của Qatar. Điều thứ hai đòi hỏi Washington quyết tâm duy trì sự thống nhất của GCC và theo đuổi một chiến lược rõ ràng, thống nhất để kiềm chế Iran.