Không đúng lúc

Dư luận nước Đức nổi sóng sau khi báo chí đưa tin cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder mừng sinh nhật thứ 70 ở St. Petersburg - Nga hôm 28-4 và tỏ ra đặc biệt thân mật với Tổng thống Vladimir Putin.

Bữa tiệc diễn ra đúng ngày Liên minh châu Âu công bố vòng trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Theo Reuters, báo chí Đức gần như đồng loạt lên án.

Tạp chí Der Spiegel viết: “Sự kiện này làm chính sách đối ngoại của Đức trở nên lố bịch. Vào lúc này, lẽ ra ông Schroeder phải giữ khoảng cách”. Thậm chí, báo Frankfurter Allgemeine Zeitung gọi hình ảnh ông Schroeder ôm Tổng thống Putin là “ghê tởm” khi trong số 7 quan sát viên châu Âu đang bị người biểu tình thân Nga bắt giữ ở miền Đông Ukraine có đến 4 công dân Đức.

 

Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder ôm thân mật Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg hôm 28-4Ảnh: EPA

Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder ôm thân mật Tổng thống Nga Vladimir Putin

tại St. Petersburg hôm 28-4. Ảnh: EPA

 

Tuy nhiên, theo báo International Business Times, công bằng mà nói thì 2 vị này đã là bạn bè từ khi ông Schroeder đắc cử năm 1998. Cuối những năm 1990, khi kinh tế Đức trì trệ, ông Schroeder đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Nga và nhận được nguồn nhiên liệu giá rẻ từ nước này. Có người khen ngợi ông Schroeder đã phát triển mối quan hệ đối tác mang tính chiến lược nhất cho nước Đức.

Tháng 11-2004, khi được một kênh truyền hình Đức hỏi ông Putin có phải là một nhà dân chủ hoàn mỹ hay không, ông Schroeder trả lời: “Chính xác là như vậy”. Cùng năm, vợ chồng ông Schroeder nhận nuôi một bé gái người Nga 3 tuổi.

Chưa hết, ông Schroeder được Tập đoàn Khí đốt Nga Gazprom thuê làm chủ tịch hội đồng quản trị Nord Stream AG, công ty vận hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nằm dưới biển Baltic - do 2 ông Schroeder và Putin ký thỏa thuận xây dựng năm 2004 để cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức. Ông còn là thành viên hội đồng quản trị của TNK-BP, liên doanh giữa Công ty BP của Anh và nhiều đối tác Nga.

Vị trí của ông Schroeder ở Gazprom và TNK-BP đã gây rắc rối cho quan hệ Đức - Mỹ. Dù vậy, sau khi quyết định từng bước hủy bỏ năng lượng hạt nhân, Đức hiện phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga hơn bao giờ hết. Quan hệ Nga - Đức “có mệnh hệ gì” thì không chỉ kinh tế Đức mà cả thế giới đều phải chao đảo.