Mỹ bổ sung khả năng diệt hạm cho Tomahawk?

(NLĐO) - Hải quân Mỹ có thể bổ sung chức năng chống hạm cho tên lửa hành trình Tomahawk như một giải pháp tình thế.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô (cũ), Hải quân Mỹ về cơ bản đã làm chủ được mọi tình huống trên biển với các trang thiết bị vũ khí hiện có. Tuy nhiên, họ có phần tập trung hơn vào khả năng tấn công trên đất liền mà quên đi khả năng chống và diệt hạm.

Phát biểu trước Quốc hội tại phiên điều trần trong tuần này, cựu quan chức Hải quân Mỹ Byran McGrath cho biết Washington không trang bị thêm bất kỳ tàu chiến nào có thể phóng tên lửa diệt hạm từ năm 1999 trở lại đây.

“Không có con tàu nào trong kho của chúng tôi có thể vô hiệu hóa tàu khác bằng vũ khí sẵn có ngoài phạm vi 70 dặm (tầm bắn của tên lửa Harpoon) và không có tàu mới nào phóng được tên lửa Harpoon được bổ sung kể từ năm 1999" – ông McGrath nói.

 

Mỹ đang thiếu tên lửa diệt hạm phóng từ tàu chiến. Ảnh: RedFlagNews
Mỹ đang thiếu tên lửa diệt hạm phóng từ tàu chiến. Ảnh: RedFlagNews

 

 

Trong khi đó, tàu chiến Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos và 3M-54T (SS-N-27A Sizzler) rất khó để đánh chặn và đặt ra mối đe dọa cho các hạm đội Mỹ.

Ông McGrath gợi ý một giải pháp tức thời cho vấn đề này, đó là chuyển đổi Tomahawk thành tên lửa hành trình tấn công kép, tức kiêm luôn vai trò diệt hạm bên cạnh chức năng tấn công trên bộ. Sau khi cải tiến, tên lửa có thể diệt hạm trong phạm vi 1.850 km.

Nhưng sửa đổi Tomahawk chỉ là giải pháp ngắn hạn vì tên lửa này và các loại tên lửa cận âm như Harpoon vẫn có thể bị hệ thống phòng không hiện đại của tàu địch tiêu diệt. Quân đội Mỹ cần có tên lửa diệt hạm riêng vào cuối những năm 2020.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ cần nhanh chóng phát triển một tên lửa mới có khả năng chống lại hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất thế giới cũng như tấn công được các mục tiêu cố định và di chuyển, trên biển và trên bờ, theo ông McGrath.