Mỹ: Có bằng chứng Nga pháo kích Ukraine

(NLĐO) - Quan chức Mỹ cho biết Washington có bằng chứng cho thấy quân đội Nga đang pháo kích từ bên trong lãnh thổ nước này vào các vị trí của quân đội Ukraine.

Phát biểu với các phóng viên ngày 24-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf khẳng định: “Chúng tôi có bằng chứng mới cho thấy người Nga có ý định cung cấp các bệ phóng tên lửa hạng nặng và mạnh hơn nhiều cho những kẻ ly khai và có bằng chứng chứng tỏ Nga đã nã pháo từ phía Nga để tấn công các vị trí quân sự của Ukraine”.

Theo bà Marie Harf, bằng chứng được dựa trên “thông tin tình báo” tiết lộ vũ khí đang “tiếp tục được tuồn qua biên giới” vào Ukraine nhưng từ chối tiết lộ các nguồn tin của Mỹ cũng như thông tin chi tiết.

Người phát ngôn Marie Harf nói rằng cho đến nay, bằng chứng cho thấy Nga thực sự đóng một vai trò trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

 

http://img.washingtonpost.com/rf/image_1484w/2010-2019/WashingtonPost/2014/07/24/Editorial-Opinion/Images/04326301-3015.jpg?uuid=3IBjkhN3EeSY7trqhRM7yQ

Lực lượng ly khai thân Nga xuất hiện gần một xe tăng Ukraine ngoại ô Donetsk.

Ảnh: EPA

 

Cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Arsenyi Yatsenyuk đã tuyên bố từ chức, mở đường cho một cuộc bầu cử mới được cho là sẽ phản ánh sự thay đổi cơ bản tình hình chính trị của nước này kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ vào tháng 2.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra thông cáo nói rằng các cuộc thăm dò ý kiến, các cuộc trò chuyện trực tiếp với mọi người cho thấy xã hội muốn có một sự thay đổi căn bản của chính phủ hiện nay.

Giới phân tích nhận định lời kêu gọi đổi mới chính trị của Tổng thống Poroshenko cho thấy việc từ chức của Thủ tướng Yatsenyuk và tổ chức cuộc bầu cử mới là kết quả của một kế hoạch vận động chính trị nằm trong dự kiến từ trước.

Theo quy định, Tổng thống Ukraine có thể giải tán Quốc hội và tiến hành một cuộc bầu cử sớm nếu chính phủ mới không được thành lập trong 30 ngày.

Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã hối thúc quân đội Ukraine ngừng sử dụng loại rốc-két Grad được cho là giết chết ít nhất 16 thường dân trong 4 vụ tấn công gần đây. Ngoài ra, HRW cảnh báo việc bắn các loại vũ khí như vậy vào các khu vực dân cư có thể là tội ác chiến tranh.