Mỹ muốn đối thoại và minh bạch

Singapore cho rằng ASEAN có thể góp phần vào việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông

Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc làm giảm căng thẳng trên biển Đông trong cuộc hội đàm giữa trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải tại thủ phủ Honolulu của bang Hawaii hôm 25-6.
 
img
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải. Ảnh: THX

Theo hãng tin Reuters, phái đoàn Mỹ đã nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự tại biển Đông làm tăng thêm lo ngại nhưng phía Mỹ hy vọng đối thoại và minh bạch nhiều hơn sẽ làm cho lo ngại nói trên giảm bớt.
 
Ông Campbell nói: “Chúng tôi muốn căng thẳng giảm. Chúng tôi quan tâm nhiều đến việc duy trì hòa bình, ổn định và chúng tôi tìm kiếm cuộc đối thoại giữa mọi đối tác then chốt”.
 
Hãng tin AFP dẫn nhận định của ông Campbell về cuộc hội đàm: “Chúng tôi đã trao đổi quan điểm một cách hiệu quả và hữu ích. Tôi cho rằng giọng điệu và nội dung chung mang tính xây dựng”.
 
Ông nói rằng mục đích của cuộc hội đàm nhằm hiểu rõ hơn về hành động, chính sách và mục đích của mỗi bên tại vùng châu Á - Thái Bình Dương.
 
Ông Campbell cho biết Mỹ cố gắng gầy dựng những đối tác mới trong khu vực và ủng hộ một nước Trung Quốc mạnh. Theo dự kiến, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức vòng đối thoại tiếp theo về vấn đề này tại Bắc Kinh.

Trong khi đó, Reuters cho biết Thứ trưởng Thôi Thiên Khải không sẵn sàng tiếp xúc với báo chí sau cuộc hội đàm nói trên. Hồi tuần trước, ông Thôi đã khuyến cáo Mỹ không nên can dự vào cuộc tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông khi tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài ở Bắc Kinh.
 
Trong một diễn biến khác, hãng tin AFP dẫn lời Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam nói rằng ASEAN có thể góp phần vào việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và vấn đề này có thể được bàn thảo tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Bali (Indonesia) vào tháng tới.
 
Ông Shanmugam nói: “Chúng ta đều biết Singapore giữ lập trường trung lập. Chúng tôi chỉ mong muốn được tự do lưu thông hàng hải. Những tuyên bố chủ quyền sẽ được giải quyết theo cách có lợi và giảm thiểu căng thẳng, trong đó, các bên liên quan đều có thể chấp nhận được”.