Mỹ muốn Nga "cảnh giới" ở Syria?

(NLĐO) - Hợp tác với Nga đang là trọng tâm trong chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, các nhà lập kế hoạch quân sự của Mỹ hy vọng Moscow sẽ ngăn chặn lực lượng chính phủ Syria và các đồng minh xen vào các hoạt động chống IS được liên minh do Mỹ đứng đầu hậu thuẫn.

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford và Ngoại trưởng Rex Tillerson tuần trước đã giới thiệu các nguyên lý cơ bản của chiến lược trên tại hạ viện và thượng viện Mỹ.

Mỹ muốn Nga cảnh giới ở Syria? - Ảnh 1.

Lực lượng chính phủ Syria tại TP Aleppo. Ảnh: AP

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp và viên chức Nhà Trắng đánh giá chiến lược trên thiển cận, tạo ưu thế lâu dài ở Syria cho Nga, Iran và Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và cuối cùng sẽ mở đường cho IS tự tái lập lực lượng.

Những ý kiến chỉ trích cũng nhận định không thể tin cậy cả Nga lẫn Iran đều sẽ tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào. Hậu quả là, cuộc nội chiến ở Syria vẫn sẽ tiếp diễn.

Cuộc thương lượng giữa Mỹ và Nga vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi quốc hội Mỹ đang tiến gần đến quyết định thông qua lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga và Iran.

Lâu nay chính quyền của Tổng thống Donald Trump không giấu giếm chiến lược "IS trước hết" của mình, với ưu tiên hàng đầu là đánh bại IS, sau đó là ổn định Syria về lâu về dài.

Trước đó, thay vì hợp tác với Nga, một số viên chức chính quyền Mỹ ủng hộ phương án thiết lập các tiền đồn được Mỹ bảo vệ ở sa mạc Syria để ngăn cản sự bành trướng của Iran. Họ biện luận rằng việc cho phép các lực lượng thân Iran hiện diện ở sa mạc sẽ tạo điều kiện cho họ tạo ra một cầu nối qua Syria để tiếp viện cho Hezbollah, tổ chức nổi dậy ở Lebanon. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã không đồng ý.