Mỹ thúc giục châu Âu lên tiếng mạnh mẽ hơn về biển Đông

(NLĐO) – Mỹ hôm 29-7 kêu gọi châu Âu lên tiếng mạnh mẽ hơn để hỗ trợ Mỹ hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, bà Amy Searight, cho biết Washington hoan nghênh Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng kêu gọi một giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ và tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông, nơi Trung Quốc đang tích cực cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo trái phép.

Phát biểu trong cuộc thảo luận về chính sách của Mỹ và EU đối với Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, bà Searight cho rằng phương pháp tiếp cận của Mỹ ở biển Đông là yêu cầu Trung Quốc ngưng cải tạo đất và lập tiền đồn quân sự (nhưng bị Bắc Kinh bác bỏ). Vì vậy, nếu EU lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ hơn phương pháp tiếp cận này, điều đó sẽ rất hữu ích.

Trong khi đó, ông Michael Fuchs, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, nhận định việc giảm thiểu nguy cơ xung đột ở biển Đông là hết sức cần thiết, trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng biển này và không ngại thể hiện thái độ khiêu khích.

 

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, bà Amy Searight. Ảnh: Defense

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, bà Amy Searight. Ảnh: Defense

 

Đáp lại, Đại sứ EU tại Washington David O'Sullivan nói rằng EU và Mỹ có những mục tiêu giống nhau nhưng "việc lên tiếng đôi khi hữu ích và đôi khi lại phản tác dụng”. Quan chức này cũng cho biết EU lo ngại về tình hình an ninh ở Đông Á nhưng bày tỏ: "Điều cuối cùng khu vực này cần là thêm nhiều tàu chiến. Tôi không nghĩ đó là điều chúng tôi muốn đóng góp cho an ninh tương lai của khu vực này”.

Riêng Tư lệnh Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Tomohisa Takei, cho ý kiến rằng các nước châu Á cần cải thiện năng lực hải quân và tăng cường phối hợp để giải quyết căng thẳng ở biển Đông. Theo ông, những nước này nên cải thiện quan hệ với Washington thông qua “một liên minh vững chắc giống như liên minh Mỹ-Nhật” hoặc tăng cường “các mối quan hệ thân thiện với Mỹ”.