Mỹ trừng phạt nặng nền kinh tế Nga

(NLĐO) – Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 16-7 công bố gói trừng phạt lớn nhất nhằm vào Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong số những mục tiêu bị trừng phạt có tập đoàn dầu khí Rosneft, các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng. 

Lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Mỹ có những cuộc tham vấn với các nhà lãnh đạo châu Âu, vốn cũng áp đặt lệnh trừng phạt riêng đối với Nga nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Mỹ cho biết Nga phải gánh hậu quả do không đồng ý giúp kiềm chế tình trạng bạo lực ở miền Đông Ukraine.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

 

Các tập đoàn khác của Nga cũng bị áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ bao gồm tập đoàn dầu khí thứ 2 của Nga Novatek, Vnesheconombank (VEB)- ngân hàng chịu trách nhiệm thanh toán các chi tiêu của chính phủ Nga và 8 công ty sản xuất vũ khí của nước này.

Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17-7 cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào Moscow sẽ phản tác dụng, tác động ngược trở lại Mỹ và giáng một đòn mạnh vào quan hệ song phương của 2 nước. Ông Putin nói: “Việc áp đặt các lệnh trừng phạt chắc chắn đang đẩy mối quan hệ Nga-Mỹ vào bế tắc và gây thiệt hại hại nghiêm trọng cho mối quan hệ này. Tôi cho rằng động thái đó sẽ làm tổn hại đến các lợi ích quốc gia lâu dài của Mỹ và người dân Mỹ. Chúng ta phải xem xét các lệnh trừng phạt này là gì, suy xét một cách kỹ lưỡng, không vội vàng và bình tĩnh”.

Đồng thời, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga mong muốn cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ và các tay súng ly khai ở Ukraine nhanh chóng kết thúc. Ông nói: “Nga rất mong cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt càng sớm càng tốt vì một số lý do”.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc hôm 16-7 cho biết Nga lại tăng cường binh lính dọc biên giới với Ukraine và có thể đang chuyển vũ khí hạng nặng vào nước láng giềng này để hỗ trợ lực lượng ly khai.

Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho rằng hiện có từ 10.000 đến 12.000 lính Nga ở biên giới với Ukraine, xuất phát từ sự gia tăng binh sĩ đều đặn trong những tuần gần đây. Theo ông Warren, có nhiều lực lượng khác của Nga đóng ở biên giới, trong đó có cả những tiểu đoàn chiến đấu. Ông nói: "Tôi không thể nói họ có ý định gì nhưng chắc chắn đó là hành động đe dọa".