Nga cản đường Trung Quốc khai thác Bắc Cực

Phiên họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bắc Cực diễn ra trong 2 ngày đã khai mạc ngày 14-5 ở Kiruna, TP cực Bắc của Thụy Điển. Nga đang có ý định ngăn cản tham vọng của “các tay chơi ngoài khu vực” như Trung Quốc (TQ), Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu (EU)...

Hội đồng Bắc Cực là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1996 với sự tham gia của Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan. Phiên họp này sẽ quyết định số phận của Bắc Cực, khu vực cực kỳ triển vọng xét về tiềm năng dầu khí và phát triển ngành thương mại hàng hải.
 
Ngoại trưởng Sergei Lavrov đại diện nước Nga tham dự diễn đàn được tổ chức 2 năm/lần này. Giới chức Bộ Ngoại giao Nga nhận định đối với Moscow, diễn đàn này mang tính lịch sử và có ý nghĩa to lớn về địa chính trị. Theo báo Kommersant, Nga có ý định thuyết phục Hội đồng Bắc Cực kiên quyết ngăn cản tham vọng của “các tay chơi ngoài khu vực” như Trung Quốc (TQ), Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu (EU) và một loạt quốc gia khác cũng như một số tổ chức.
 
img
Đảo Komsomolets của Nga trên Bắc Cực. Ảnh: IVORY GULL

Các quốc gia trên mong muốn trở thành thành viên của câu lạc bộ Bắc Cực với tư cách là quan sát viên thường trực. EU và TQ đã là quan sát viên lâm thời. Trong khi đó, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan tích cực ủng hộ ý tưởng trao cho EU địa vị quan sát viên thường trực. Ngoài ra, các nước vùng Scandinavia và Iceland muốn TQ cũng có địa vị này.

Trong trường hợp Nga cố bảo vệ lập trường của mình, các nước đối lập dọa thành lập một tổ chức thay thế Hội đồng Bắc Cực để biến khu vực này thành tài sản chung của nhân loại tương tự như Nam Cực. Các chuyên gia dự đoán sáng kiến trên sẽ được đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và kết quả sẽ cực kỳ bất lợi cho Nga.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Ngoại trưởng Nga có một loạt cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Canada phụ trách các vấn đề Hội đồng Bắc Cực Leona Aglukkaq, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.