Nhật muốn sản xuất tên lửa "chim biển" với NATO

(NLĐO) – Nhật Bản đang mong muốn trở thành một thành viên trong tập đoàn sản xuất tên lửa của NATO. Đây sẽ là bước đầu tiên trong tiến trình tham gia các dự án quốc phòng đa quốc gia của nước này.

Động thái này đang nhận được Hải quân Mỹ ủng hộ bởi nó sẽ mở đường cho Tokyo trở thành đối tác an ninh hàng đầu của Washington tại châu Á. Tập đoàn sản xuất tên lửa của NATO đang triển khai dự án phát triển và chia sẻ chi phí sản xuất tên lửa SeaSparrow (Chim biển). SeaSparrow là loại tên lửa hiện đại được thiết kế để phá hủy các tên lửa chống hạm và tấn công máy bay. Các công ty của Mỹ gồm Raytheon (RTN.N) và General Dynamics (GD.N) hiện chịu trách nhiệm sản xuất tên lửa này.

 

Japan_consortium
Tên lửa SeaSparrow trên tàu sân bay USS Eisenhower Ảnh: REUTERS

 

Hồi tháng 5, giới chức Hải quân Nhật Bản tham gia một cuộc họp của NATO tại The Hague (Hà Lan) để nghiên cứu thêm về hoạt động của tập đoàn sản xuất tên lửa SeaSparrow. Theo 2 nguồn tin Nhật Bản rành rẽ vụ việc, Tokyo mới đang trong giai đoạn đầu đàm phán đầu tiên với NATO về việc tham gia tập đoàn sản xuất tên lửa. Động thái này càng tỏ rõ quyết tâm thay đổi chính sách an ninh của Thủ tướng Shinzo Abe bao gồm việc gỡ bỏ quy định kéo dài nhiều thập niên cấm Nhật Bản xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài.

Tập đoàn sản xuất tên lửa của NATO ra đời năm 1968 do 4 quốc gia thành lập trong đó có Mỹ, đang lên kế hoạch phát triển các thế hệ nâng cấp của tên lửa SeaSparrow trong những năm tới. Mặc dù, việc Nhật Bản gia nhập tập đoàn này sẽ khiến chi phí của dự án gia tăng nhưng Washington lại coi đây là một tín hiệu tốt. Đó là vì Tokyo sẽ đóng vai trò đầu tàu trong số các đối tác công nghệ quân sự đa quốc gia ở châu Á trong bối cảnh quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa an ninh đối với các nước trong khu vực.

Trả lời qua email, người phát ngôn Hải quân Nhật Bản cho biết: “Hải quân Mỹ đang cung cấp những thông tin liên quan tới dự án SeaSparrow cho Tokyo. Với mục tiêu cải thiện hiệu quả mua sắm các tên lửa đất đối không hoạt động trên tàu, chúng tôi đang thu thập thông tin để đưa ra lựa chọn cần thiết”. Trong khi đó, một nguồn tin Mỹ nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng dự án này sẽ cho phép Nhật Bản đặt nền móng cho chương trình xuất khẩu quốc phòng sắp tới. Chúng tôi hoan nghênh những hoạt động hợp tác anh ninh như thế này của Nhật Bản trong khu vực”.

Tuy nhiên, một trong những nguồn Nhật Bản cho biết vài lo ngại đã được nêu ra tại Tokyo về vấn đề bảo mật và chi phí khi tham gia tập đoàn sản xuất tên lửa của NATO.