Những hòn đá 3,95 tỉ năm tuổi

Trong nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí Nature, các nhà khoa học Nhật Bản khẳng định những hòn đá họ tìm thấy ở Canada chứa đựng bằng chứng về sự sống lâu đời nhất trên trái đất.

Theo nhà khoa học Tsuyoshi Komiya và các đồng nghiệp đến từ Trường ĐH Tokyo, những hòn đá Saglek Block được tìm thấy ở phía Bắc vùng Labrador - Canada có niên đại 3,95 tỉ năm.

Sau khi phân tích, họ phát hiện điều đặc biệt là những hòn đá này đều chứa than chì có hầu hết đồng vị carbon 12 và nhẹ hơn đồng vị carbon 13.

Những hòn đá 3,95 tỉ năm tuổi - Ảnh 1.

Than chì được tìm thấy trong những hòn đá có niên đại 3,95 tỉ năm có thể chứa bằng chứng về nguồn gốc sự sống trên trái đấtẢnh: TSUYOSHI KOMIYA

Dù cả 2 dạng này đều tồn tại trong tự nhiên, sinh vật sống lại thích đồng vị carbon 12 do chúng dễ dàng kết hợp thành phân tử hơn.

Do đó, khi phát hiện một lượng lớn than chì chứa hầu hết đồng vị carbon 12, các nhà khoa học suy đoán nguyên nhân là một sinh vật đã chết từ lâu.

Nếu phân tích trên chính xác, những hòn đá trên cho thấy sự sống đã xuất hiện từ thuở trái đất hầu như rất lạnh và hành tinh này liên tục va chạm với những vật thể khác trong hệ mặt trời.

Tuy nhiên, không phải nhà khoa học nào cũng bị thuyết phục bởi nghiên cứu trên - một điều không có gì lạ bởi tranh cãi về nguồn gốc sự sống trên trái đất đã kéo dài nhiều thập kỷ.

Theo tờ The Washington Post, giới khoa học hiện còn tranh luận về việc cần đến loại bằng chứng gì và số lượng bao nhiêu mới đủ kết luận một vật thể nào đó là hóa thạch thật sự giá trị hay chỉ là hòn đá bình thường.