Nỗi lo khoảng trống quyền lực ở Bolivia

Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard đêm 11-11 (giờ địa phương) thông báo cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales đang đến nước này và được cấp quy chế tị nạn.

Gửi lời từ biệt trên trang Twitter trước đó, ông Morales cho biết đã nhận lời đề nghị tị nạn ở Mexico nhưng sẽ sớm trở về với "nhiều sức mạnh và năng lượng hơn".

Ông Morales quyết định từ chức hôm 10-11 theo sau làn sóng biểu tình bạo lực liên quan đến cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng rồi. Quân đội Bolivia cho biết sẽ hỗ trợ cảnh sát trấn áp bạo lực và tuần tra ngoài đường phố giữa lúc có nỗi lo sự ra đi của ông Morales có thể để lại khoảng trống quyền lực ở nước này. Sau ông Morales, Phó Tổng thống Álvaro García Linares và Chủ tịch Thượng viện Adriana Salvatierra cũng lần lượt từ chức.

Nỗi lo khoảng trống quyền lực ở Bolivia - Ảnh 1.

Những người ủng hộ ông Evo Morales biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Bolivia ở thủ đô Mexico City - Mexico hôm 11-11 Ảnh: Reuters

Các đối thủ ăn mừng sự ra đi của ông Morales nhưng cũng đã chuyển sang tìm người kế vị tạm thời trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới. Bà Jeanine Anez, chính trị gia đối lập và là phó chủ tịch thứ hai của thượng viện, đã được quân đội đưa đến trụ sở quốc hội ở thủ đô La Paz sau khi bà tuyên bố sẵn sàng nắm quyền lúc này.

Cộng đồng quốc tế đã chia rẽ trước tình trạng hỗn loạn trong chính trường Bolivia. Bộ trưởng Ebrard gọi những gì xảy ra là "một cuộc đảo chính quân sự" và kêu gọi Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Trong khi đó, theo Reuters, Tổng thống đắc cử Argentina Alberto Fernandez cũng lặp lại lời tố cáo của ông Morales về một cuộc đảo chính. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng "sự từ chức của ông Morales là một thời điểm quan trọng đối với nền dân chủ ở Tây bán cầu".