NSA do thám người chống chiến tranh Việt Nam

(NLĐO) - Các nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington ngày 25-9 công bố các tài liệu giải mật cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từng nghe lén những nhân vật chỉ trích mạnh mẽ nhất cuộc chiến tranh Việt Nam nhiều năm liền.

Chương trình nghe lén kéo dài 6 năm có mật danh Minaret từng bị phơi bày năm 1970 song các mục tiêu bị theo dõi vẫn được giữ kín.
 
Đến nay, tài liệu giải mật mới cho thấy NSA đã theo dõi biểu tượng dân quyền Martin Luther King, cộng sự của ông là Whitney Young và võ sĩ quyền Anh hạng nặng Muhammad Ali. Trong danh sách còn có nhà báo Tom Wicker của tờ The New York Times và cây bút bình luận Art Buchwald của The Washington Post. 2 thượng nghị sĩ nổi bật khi ấy là Frank Church của bang Idaho và Howard Baker của bang Tennessee cũng bị theo dõi.
 
img
Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson (bìa phải) và ông Martin Luther King (bìa trái) cùng cộng sự Whitney Young.
Ảnh: AP
 
Vào năm 1967, phong trào phản chiến dâng cao ngay trong lòng nước Mỹ khiếnTổng thống Lyndon Johnson phải yêu cầu các cơ quan tình báo điều tra xem có chính phủ nước ngoài nào kích động hay không. NSA đã phối hợp với các cơ quan tình báo khác để lên danh sách mục tiêu theo dõi và tiến hành nghe trộm điện thoại của họ.
 
Chương trình Minaret tiếp tục sau khi ông Richard Nixon bước vào Nhà Trắng năm 1969. Đến năm 1973, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Elliot Richardson đã chấm dứt chương trình này giữa lúc chính quyền Nixon vướng vào bê bối Watergate.
 
Theo tài liệu, sau này chính một số quan chức NSA đánh giá Minaret là "hèn hạ nếu không muốn nói là trái luật". Matthew Aid và William Burr, 2 nhà nghiên cứu đã công bố số tài liệu trên, cho rằng việc do thám trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam vượt xa quy mô các chương trình hiện nay.
 
Việc chương trình Minaret bị phơi bày trong khi PRISM chưa được xử lý rốt ráo khiến dư luận thêm khó chịu. Thượng nghị sĩ Frank Church đã tiên phong đòi cải cách để hạn chế các chương trình do thám và hoạt động của các cơ quan tình báo.