Pháp, Đức và Anh cùng Ấn Độ bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông

(NLĐO) - Anh, Đức và Pháp hôm 29-8 đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông có thể dẫn đến mất an ninh và bất ổn trong khu vực.

Ba quốc gia châu Âu đã phát biểu như trên trong một tuyên bố chung - do Bộ Ngoại giao Anh công bố một ngày sau khi tàu khu trục của Hải quân Mỹ đi gần các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Pháp, Đức và Anh cùng Ấn Độ bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan xuất hiện ở biển Đông khi tình hình căng thẳng leo thang. Ảnh: AP

Pháp, Anh và Đức đã cùng lên tiếng về tình hình biển Đông một ngày sau khi Ấn Độ kêu gọi bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực, nơi Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng bằng cách đi vào khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hơn một tháng trước.

Tuyên bố chung có đoạn viết: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển biển Đông thực hiện các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ cũng như sự tự do và các quyền hàng hải trong và bay bên trên biển Đông".

Pháp, Đức và Anh cùng Ấn Độ bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông - Ảnh 2.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan biểu dương sức mạnh của Mỹ. Ảnh: AP

Là các quốc gia thành viên của Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm của họ đối với việc áp dụng phổ biến công ước này, văn kiện đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện - trong đó mọi hoạt động ở các đại dương và biển bao gồm cả ở biển Đông phải được thực hiện và là cơ sở cho sự hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải.

Hơn nữa, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử hợp tác và hiệu quả dựa trên các quy tắc, phù hợp với UNCLOS ở biển Đông và khuyến khích sớm kết thúc nó.