Phụ nữ Ả Rập Saudi không muốn bị giám hộ

Hơn 14.000 phụ nữ Ả Rập Saudi đã ký tên vào đơn kiến nghị kêu gọi chính phủ nước này hủy bỏ hệ thống giám hộ.

Theo luật pháp Ả Rập Saudi, mỗi phụ nữ nước này cần có sự đồng ý của người giám hộ là nam giới (chồng, con, người thân...) nếu muốn ra nước ngoài, đi làm, học hành, kết hôn... “Phụ nữ cần được đối xử như công dân có đầy đủ quyền. Đây không chỉ là vấn đề của phụ nữ mà còn nhằm gây sức ép lên nam giới” - nhà hoạt động Aziza Al-Yousef nói với báo The Guardian.

Bà Hala Aldosari, nhà nghiên cứu sức khỏe phụ nữ và là tác giả kiến nghị trên, cho biết ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ của nữ giới thuộc mọi lứa tuổi, trình độ. Theo bà Aldosari, hơn 14.682 người đã ký tên vào lá đơn sau khi nó được đề cập trên mạng xã hội Twitter.

Nhiều phụ nữ Ả Rập Saudi đang kêu gọi bãi bỏ hệ thống giám hộ Ảnh: REUTERS
Nhiều phụ nữ Ả Rập Saudi đang kêu gọi bãi bỏ hệ thống giám hộ Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, ước tính 2.500 phụ nữ trực tiếp gửi điện tín đến văn phòng Quốc vương Ả Rập Saudi thúc giục ông chấm dứt hệ thống giám hộ. Nhà hoạt động Yousef xác nhận một số giáo sĩ có uy tín cũng đã ký tên, qua đó muốn nói rằng hệ thống giám hộ khắc nghiệt không xuất phát từ luật Hồi giáo và phải được thay đổi.

Thực ra, chính phủ Ả Rập Saudi đã 2 lần đồng ý hủy bỏ hệ thống giám hộ vào các năm 2009 và 2013, đồng thời đưa ra một số cải cách như tạo điều kiện để phái đẹp có thể đi làm dễ dàng hơn, bổ nhiệm phụ nữ vào hội đồng cố vấn của quốc vương, cho phép nữ giới bỏ phiếu và tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương. Tuy nhiên, những cải tổ này vẫn còn không ít hạn chế và chưa tiến đến việc cung cấp các quyền cơ bản cho phụ nữ.