Sức mạnh từ những công trình nghiên cứu

“Để phát triển đất nước mình được như ngày hôm nay, lịch sử Nhật Bản đã có những chặng đường dài nhiều khó khăn...”. Hướng dẫn viên du lịch nói với du khách về Nhật Bản 140 năm trước và rất tự hào về nhà vua của họ, về tầm nhìn xa của nhà vua và sự hưng thịnh của dân tộc.

Chiếc xe buýt đưa khách tham quan đi qua các con đường nhiều cây xanh với những tòa nhà đồ sộ, uy nghi. Chúng tôi thấy rất nhiều cờ Nhật Bản và Việt Nam tung bay khắp nơi trên các đường phố, chung quanh khu vực tòa nhà chính phủ. Nhật Bản có những nghi thức rất trọng thị chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng phái đoàn Chính phủ Việt Nam.

Đến Nhật Bản mới biết được sự chuẩn bị nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đến dường nào. Các giáo sư ĐH nơi đây rất chú ý đến các đề tài nghiên cứu. Thành tích mỗi năm của các giáo sư nhận từ các quỹ tài trợ, các doanh nghiệp làm cho thang điểm của ĐH mình tăng cao, góp phần nâng cao uy tín của ĐH với xã hội. Tinh thần nghiên cứu càng thể hiện mạnh mẽ hơn trong buổi hội thảo chuyên đề về đổi mới kinh tế Việt Nam. Sinh viên đã nêu ra những nghiên cứu về các bài học của các nước Hàn Quốc, Philippines... là một kinh nghiệm cho các nước khác noi theo. Vai trò của chính phủ với những chính sách thực thi cho sự tăng trưởng kinh tế được giáo sư nhấn mạnh nhiều lần như là một kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

Ông Eiki Senaha, Hiệu trưởng ĐH Meio ở Okinawa, mong muốn có thêm những cơ hội hợp tác nghiên cứu với Việt Nam. Hơn 10 năm liên tục trường luôn có chương trình trao đổi giao lưu với Trường ĐH KHXH-NV TPHCM. Ông tham dự buổi hội thảo từ đầu đến cuối và đưa ra nhiều ý kiến thảo luận quan trọng. Việt Nam cần chuẩn bị nội lực cho sự phát triển, yếu tố con người, nguồn nhân lực là điều thiết yếu nhất quan trọng nhất cho đất nước sau này. Chính sách của nhà trường giảm phí cho sinh viên nước ngoài còn 50%-60%, khoảng 400.000 yen/năm. Chỗ ở cũng trả 100 USD/tháng, chỉ bằng 30% so với sinh viên Nhật Bản. Nếu đau ốm, sinh viên chỉ đóng 30% số tiền cho bảo hiểm. Tuy vậy, trong 30% đó, nhà trường sẽ hỗ trợ lại 80%. Các sinh viên học tập nơi đây được nhà trường ưu ái chuẩn bị ngay từ năm thứ 3 đưa đi giới thiệu với các doanh nghiệp, tìm kiếm những cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nhiều sinh viên Việt nam tốt nghiệp nơi đây về nước trở thành cán bộ giảng dạy.

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi ấn tượng mạnh mẽ khi được gặp ông Mizayawa, Tổng Giám đốc Công ty Koushin, người hoạch định chương trình nghiên cứu cho các chuyên viên Việt Nam sang Nhật Bản học tập. Ông đã dành một ngày chủ nhật trực tiếp hướng dẫn các chuyên viên công nghệ thông tin tham quan các đền chùa nổi tiếng ở Tokyo và Hoàng cung Nhật Bản. Ông nói Ấn độ phát triển mạnh hơn Việt Nam về công nghệ thông tin nhưng sau khi đi tìm hiểu nhiều nơi như Trung Quốc, Ấn Độ..., cuối cùng nhiều người lựa chọn đầu tư ở Việt Nam - nơi có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản về văn hóa và tinh thần học hỏi, cầu tiến của các bạn trẻ.