Syria “phóng 200 tên lửa hóa học”

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Mỹ thực thi vùng cấm bay ở Syria để đáp lại điều ông gọi là “bằng chứng rõ ràng” về việc Damascus dùng vũ khí hóa học chống lại lực lượng nổi dậy

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm 10-5 cho biết các xét nghiệm đối với những người bị thương trong cuộc chiến tại Syria chạy sang  Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vũ khí hóa học đã được các lực lượng chính phủ nước này sử dụng. Tuy nhiên, ông nói rằng Ankara đang tiến hành xét nghiệm thêm để xác thực bằng chứng.
 
img
Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có “bằng chứng rõ ràng”
về việc chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học chống lại lực lượng nổi dậy
Ảnh: AP

Phát biểu tại thủ đô Amman của Jordan, ông Davutoglu cho biết: “Chúng tôi vào tuần rồi bắt đầu tiến hành các xét nghiệm và đã có những dấu hiệu cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng. Tuy nhiên, để chắc chắn, chúng tôi đang cho tiến hành xét nghiệm thêm và các kết quả sẽ được chia sẻ với những cơ quan Liên Hiệp Quốc”.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhận định khả năng chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học từ lâu đã là mối quan ngại thực sự cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, việc Damascus có kho vũ khí hóa học và chưa bao giờ ký các hiệp ước quốc tế về cấm sử dụng loại vũ khí này không phải là điều bí mật.

Trong khi đó,  Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Mỹ thực thi vùng cấm bay ở Syria để đáp lại điều ông gọi là “bằng chứng rõ ràng” về việc Damascus dùng vũ khí hóa học chống lại lực lượng nổi dậy.  Phát biểu trên đài NBC hôm 10-5, ông Erdogan cho rằng Syria từ lâu đã vượt qua “ranh giới đỏ” mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt ra đối với việc sử dụng vũ khí hóa học.  Theo ông, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ xác định chính phủ Syria đã phóng ít nhất 200 tên lửa hóa học nhưng không cho biết chi tiết về loại vũ khí này. Ông cũng bác bỏ nhận định rằng phe đối lập có thể đã sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông sẽ trưng ra những bằng chứng nói trên tại cuộc gặp Tổng thống Obama ở Washington vào ngày 16-5 tới.  Hãng tin Reuters nhận định nếu những bằng chứng trên là xác thực, chúng sẽ làm gia tăng khả năng phương Tây can thiệp vào Syria ngay cả khi Mỹ và Nga đang tìm cách thúc đẩy hòa đàm giữa các phe phái chống đối nhau.

Cũng trong ngày 10-5, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí về sự cần thiết phải chấm dứt bạo lực, ngăn chặn sự leo thang của chủ nghĩa cực đoan và “sự phân mảnh” của Syria. Dù vậy, sau cuộc hội đàm ở Moscow,  ông Cameron thừa nhận hai bên vẫn còn khác biệt về cách thức đối phó cuộc xung đột ở Syria. Trong lúc Anh đang tăng cường hỗ trợ phe nổi dậy ở Syria thì Nga lại cảnh báo phương Tây không nên có thêm hành động gì chống lại Damascus.
 

Mỹ, Israel lo Syria có S-300

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 10-5 cho biết Moscow không có kế hoạch mới về việc bán hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Syria. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng Nga sẽ giao cho Syria hệ thống này theo một thỏa thuận đã ký. Thông tin về một thương vụ như thế đang khiến Mỹ và Israel lo lắng. Ngoài ra, theo hãng tin AP, việc Syria có được S-300 sẽ khiến các nước chống Damascus gặp khó khăn hơn trong việc áp đặt một vùng cấm bay ở nước này, nếu muốn.