“Tam giác Bermuda” mãi bí ẩn

Chỉ sức mạnh của biển cả và sai sót của con người cũng đủ gây ra các thảm họa trên biển

“Tam giác Bermuda” là thuật ngữ do nhà văn Vincent Gaddis nghĩ ra năm 1964, chỉ vùng biển hình tam giác rộng hơn 500.000 km2 ở Đại Tây Dương với 3 đỉnh là đảo Bermuda, mũi phía Nam bang Florida - Mỹ và vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ.

“Bom không khí”

Những vụ mất tích bí ẩn của tàu thuyền, máy bay bên trong “Tam giác Bermuda” chỉ được chú ý sau khi nơi này được nói đến trong một bài viết trên tạp chí Argosy năm 1964. Trong nhiều thập kỷ qua, hàng loạt giả thuyết ra đời nhằm giải thích cho những vụ mất tích không dấu vết tại vùng biển này, từ nổ khí mêtan, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dòng hải lưu cực mạnh cho đến sai sót của con người, lực hút bí ẩn, mực khổng lồ, người ngoài hành tinh…


Hình ảnh những đám mây lục giác được nói đến trong phim tài liệu trên kênh Science Channel Ảnh: ScienceChannel.com

Hình ảnh những đám mây lục giác được nói đến trong phim tài liệu trên kênh Science Channel Ảnh: ScienceChannel.com

Một bộ phim tài liệu chiếu trên kênh Science Channel (Mỹ) trong tháng 10 đưa ra thêm giả thuyết: Những đám mây có hình dạng bất thường có thể là câu trả lời cho một số vụ mất tích bí ẩn tại “Tam giác Bermuda”. Bộ phim dẫn lời TS Randall Cerveny, một nhà khí tượng học tại Trường ĐH bang Arizona (Mỹ), cho biết hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những đám mây hình lục giác trải rộng từ 30 đến 75 km về bản chất không khác gì “bom không khí”. Chúng có thể gây ra những cơn gió với vận tốc 161 km/giờ, đủ mạnh để tạo ra những cơn sóng cao đến 12 m. Những đợt gió mạnh, sóng to này được cho là có thể lật úp tàu thuyền và khiến máy bay lao xuống biển.

Tuy nhiên, một số nhà khí tượng học đã bác bỏ giả thuyết trên. Họ chỉ ra rằng hiện tượng đám mây hình lục giác có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào có dòng không khí lạnh di chuyển qua vùng nước ấm. “Không có bí mật nào đằng sau hình dạng của những đám mây” - nhà nghiên cứu Steven Miller tại Trường ĐH bang Colorado (Mỹ) nói với báo National Post (Canada).

Chuyên gia này nói thêm rằng các nhà khoa học đã bị dẫn sai lời để khiến câu chuyện trở nên giật gân hơn. “Theo tôi, có rất ít khả năng đám mây hình lục giác là mắt xích còn thiếu của câu chuyện xoay quanh cái gọi là “Tam giác Bermuda” - nhà khoa học này nhận xét. Ngay cả ông Cerveny cũng phàn nàn với tờ USA Today: “Họ làm như thể tôi vừa có phát hiện mang tính đột phá”.

Không phải năng lực siêu nhiên

Chưa hết, như tờ National Post chỉ ra bí ẩn của cái gọi là “Tam giác Bermuda” đã được phá giải từ lâu bởi thực tế không hề tồn tại một nơi như thế. Nhiều người nhận xét rằng số vụ mất tích ở “Tam giác Bermuda” là “không đáng kể” nếu so với số lượng lớn tàu thuyền, máy bay di chuyển qua khu vực này. “Không có bằng chứng cho thấy những vụ mất tích bí ẩn ở “Tam giác Bermuda” xảy ra với tần suất cao hơn bất kỳ khu vực nhộn nhịp nào khác của Đại Tây Dương” - Cơ quan Đại dương quốc gia Mỹ kết luận năm 2010.

Theo nhà khảo cổ học đại dương kỳ cựu James Delgado, lịch sử cho thấy luôn có một lượng tàu thuyền mất tích tại bất kỳ vùng biển nào, đặc biệt là những nơi gần hoặc nằm trên tuyến hàng hải chính giữa các cảng lớn. Bí ẩn của “Tam giác Bermuda”, nếu có, là nước biển không sâu và nhiều rạn san hô. Ngoài ra, do là trung tâm của hoạt động hàng hải thương mại thời xưa nên vùng biển này còn là “nghĩa địa” của nhiều tàu thuyền bị đắm hoặc mất tích. “Ngày nay, vẫn có những con tàu mất tích không dấu vết. Không có tác động của năng lực siêu nhiên nào ở đây. Chỉ sức mạnh của biển cả và sai sót của con người cũng đủ gây ra các thảm họa.

Những vụ mất tích chấn động

Chấn động nhất là vụ tàu chiến USS Cyclops (Mỹ) cùng toàn bộ 306 người trên đó mất tích tại “Tam giác Bermuda” hồi tháng 3-1918. Trung tâm Lịch sử Hải quân Mỹ gọi đây là một trong những bí ẩn chưa được giải đáp của biển cả. Đến tháng 1-1948, chiếc máy bay Star Tiger chở 30 người khởi hành từ Anh đến Bermuda cũng biến mất khi bay qua “Tam giác Bermuda”.

Con tàu Sulphur Queen chở lưu huỳnh cũng “một đi không trở lại” vào tháng 2-1963. Mảnh vỡ con tàu được phát hiện vài tuần sau đó ở bãi biển bang Florida - Mỹ. Đến tháng 12-2008, một chiếc máy bay nhỏ chở 12 người mất tích không dấu vết sau khi cất cánh từ thủ đô Santiago - Chile để đến TP New York - Mỹ. “Nạn nhân” gần đây nhất là tàu SS El Faro - biến mất khi chở theo 33 thành viên và nhiều hàng hóa từ bang Florida đến Puerto Rico hồi tháng 10-2015. Nhiều tuần sau đó, con tàu được tìm thấy trên Đại Tây Dương nhưng không có dấu hiệu nào về thủy thủ đoàn.