Tàu sân bay Mỹ vào biển Đông tuần tra

(NLĐO) - Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố hình ảnh tàu sân bay USS Ronald Reagan đang ở biển Đông hôm 5-8 để tiến hành nhiệm vụ tuần tra thường xuyên.

Báo The Japan Times đưa tin tàu USS Ronald Reagan – đóng tại cảng nhà ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa – Nhật Bản, được giao nhiệm vụ tuần tra thường xuyên trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố tập trận gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) vào ngày 6 và 7-8.

Trước đó, đài ABS-CBN cho biết tàu USS Ronald Reagan sẽ tiến vào lãnh hải Philippines trong ngày 6-8 (giờ địa phương). Đây là tàu sân bay duy nhất được Washington triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tàu sân bay Mỹ vào biển Đông tuần tra - Ảnh 1.

Chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet trên tàu USS Ronald Reagan. Ảnh: Reuters

Tàu USS Ronald Reagan sở hữu chiều dài hơn cả tháp Eiffel của Pháp. Nó có thể chở 100 máy bay chiến đấu và máy bay được sử dụng cho các hoạt động tác chiến điện tử và chống ngầm. Đây là 1 trong 10 tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, từng là tàu chiến lớn nhất cho đến khi tàu USS Gerald Ford ra đời vào năm 2017 nhưng chưa được triển khai.

Chuẩn Đô đốc Mỹ Patrick Piercey từng ca ngợi USS Ronald Reagan là một tàu sân bay "cấp cao", đại diện cho sức mạnh chiến đấu của Mỹ.

Trước đó, trên trang web của Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sẽ tổ chức các cuộc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) thuộc biển Đông. Thông báo cho biết các tuyến đường dẫn vào khu vực tập trận sẽ bị phong toả nhưng không có thêm thông tin chi tiết.

Cả Nhật Bản và Mỹ đều không tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng thường xuyên khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.

Washington nhiều lần lên án Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa (đều của Việt Nam). Mỹ lo ngại sân bay và hệ thống vũ khí được Trung Quốc trang bị trên các đảo có thể được sử dụng để hạn chế hoạt động tự do đi lại ở biển Đông.

Một số chuyên gia quân sự cũng cho rằng việc triển khai vũ khí là một phần trong nỗ lực phối hợp để kiểm soát các vùng biển - bao gồm cả biển Đông, của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh nguỵ biện rằng họ đưa vũ khí lên các đảo nhỏ chỉ nhằm mục đích phòng thủ.