Thái Lan trưng cầu ý dân về hiến pháp mới

(NLĐO) – Người dân Thái Lan ngày 7-8 tham gia cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới do một ủy ban được chính quyền quân sự bổ nhiệm.

Sau cuộc đảo chính giành chính quyền thành công vào năm 2014, Hội đồng quốc gia vì trật tự và hòa bình (NCPO) thuộc phe quân đội đã bỏ hiến pháp cũ và cho soạn dự thảo hiến pháp mới.

NCPO tuyên bố rằng nếu nhận sự đồng thuận từ đại đa số người dân, hiến pháp mới sẽ tạo một bước tiến, đưa nền dân chủ trở lại Thái Lan một cách trọn vẹn. Các cử tri được yêu cầu trả lời có hoặc không với hai câu hỏi là họ có đồng ý với hiến pháp mới hay không và Thượng viện có được phép tham gia bầu chọn thủ tướng mới cùng Hạ viện hay không?

Nếu nhận nhiều đồng thuận từ các cử tri, dự thảo sẽ trở thành hiến pháp. Ngược lại, hiện chưa rõ kết cục gì xảy ra nhưng chính quyền quân đội vẫn nắm quyền lực.

Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất là Thượng viện có 250 ghế, toàn bộ do quân đội bổ nhiệm.

Phía quân đội biện hộ rằng bước đi này nhằm tăng dân chủ, giảm thiểu nạn tham nhũng đã gây chia rẽ, bất ổn chính trị. Phe phản đối cho rằng thay đổi này nhằm nâng cao quyền lực của quân đội, khiến chính trường Thái Lan tiếp tục bất ổn.

Người dân Thái Lan đứng trước sự chọn lựa cho tương lai. Ảnh: Reuters
Người dân Thái Lan đứng trước sự chọn lựa cho tương lai. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Một vấn đề bị phản đối khác là chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu ý dân bị hạn chế bởi một đạo luật được ban hành trước khi sự kiện này diễn ra.

Phe chỉ trích nói luật này nhằm hạn chế chiến dịch vận động chống lại hiến pháp mới. Các nhóm nhân quyền cũng cho rằng đạo luật đã hạn chế công chúng tiếp cận thông tin về dự thảo hiến pháp mới. Tính đến nay có ít nhất 17 người đã bị bắt và đối mặt bản án lên đến 10 năm tù vì cáo buộc phạm lật này

An ninh cho cuộc trưng cầu ý dân đã được siết chặt trong những ngày qua.