Thổ Nhĩ Kỳ xây cầu nối liền lục địa Á - Âu

(NLĐO) - Thổ Nhĩ Kỳ vừa khởi công xây dựng chiếc cầu thứ 3 nối liền các bờ biển châu Âu và châu Á của nước này hôm 29-5.

Chiếc cầu thứ 3 này được đặt tên là Yavuz Sultan Selim, theo tên của một trong những vị vua nổi tiếng nhất đế chế Ottoman.
 
Thủ tướng Tayyip Erdogan đặc biệt dành sự ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng để bắt kịp xu hướng phát triển của đất nước. Ông Erdogan đã kêu gọi các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Hàn Quốc hoàn tất cây cầu trong vòng hai năm. Ông nói: “Đây là cách chúng ta xây dựng một Thổ Nhĩ Kỳ giàu mạnh”.
 
 
img
Lễ khởi công xây dựng chiếc cầu thứ 3 nối liền các bờ biển châu Âu và châu Á. Ảnh: Demotix 

Chiếc cầu treo Yavuz Sultan Selim ước tính có chi phí khoảng 3 tỉ USD. Một khi hoàn tất, nó sẽ là chiếc cầu dài và rộng nhất thế giới với chiều rộng 59 m, dài 1.275 m, gồm 8 làn đường cao tốc và 2 làn đường sắt. Cầu bắc qua eo biển Bosphorus của thành phố Istanbul.
 
Chiếc cầu là giải pháp nhằm giảm bớt nạn ách tắc giao thông tại thành phố Istanbul với 14 triệu dân. Theo báo cáo, dân số tại đây sẽ đạt đến mốc 17 triệu người và phương tiện giao thông sẽ tăng đến 4,4 triệu chiếc trong vòng 1 thập kỷ nữa, buộc chính phủ nước này phải hành động nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng phản đối vì cho rằng cây cầu sẽ phá vỡ cảnh quan thành phố.
 
Cầu Sultan Selim Yavuz là một trong 7 dự án lớn được xúc tiến tại thành phố Istanbul. Khoảng 80 tỉ USD đang được đầu tư cho các dự án như: một sân bay thứ 3 tại Istanbul – được xem là một trong những sân bay lớn nhất thế giới; hệ thống đường bộ và đường sắt ngầm chạy qua eo biển Bosphorus; tuyến đường sắt cao tốc đến thủ đô Ankara và một kênh đào.
 
img
Chiếc cầu là giải pháp nhằm giảm bớt nạn ách tắc giao thông tại thành phố Istanbul. Ảnh: Demotix