Tranh nhau lợi lộc

Lợi lộc cụ thể từ các dự án năng lượng, hạ tầng trị giá 46 tỉ USD do Trung Quốc đề xuất chưa thấy đâu nhưng trước mắt, chúng đang khiến nội bộ Pakistan xào xáo.

Nhiều chính khách bắt đầu la làng về “những thay đổi bất công” ngay sau khi nội dung kế hoạch trên được chính thức công bố nhân chuyến thăm hồi đầu tuần của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Lực lượng nổi dậy ở tỉnh Baluchistan đang là mối đe dọa không nhỏ đến kế hoạch xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan Ảnh: REUTERS

Lực lượng nổi dậy ở tỉnh Baluchistan đang là mối đe dọa không nhỏ

đến kế hoạch xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan Ảnh: REUTERS

 

Mục đích của những dự án trên là liên kết 2 nền kinh tế, đồng thời xây dựng một hành lang kinh tế giữa cảng Gwadar tại tỉnh Baluchistan - Pakistan và khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc nổi dậy vài thập kỷ qua ở Baluchistan buộc các nhà hoạch định bẻ hành lang nói trên - một mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn - sang phía Đông để nó đi qua Baluchistan càng ít càng tốt. Chính quyền Baluchistan, tỉnh nghèo và thưa dân nhất Pakistan, ngay lập tức chỉ trích các tỉnh giàu hơn đang “khai thác bất công” khí đốt và khoáng sản của mình.

“Chúng tôi sẽ phản đối quyết định này đến cùng” - ông Hamid Khan Achakzai, quan chức phụ trách hoạch định và phát triển của Baluchistan, nói với Reuters. Tương tự, ông Jaffar Khan Mandokhel, một cựu quan chức tỉnh, cảnh báo địa phương này “sẽ có phản ứng mạnh mẽ” đối với những thay đổi mang lại lợi ích tối đa cho tỉnh Punjab giàu nhất nước.

Tỉnh Khyber Pakhtunkhwa cũng xem mình là “nạn nhân”, thể hiện qua lời lẽ lên án của chính khách đối lập Imran Khan thuộc Đảng Phong trào công lý Pakistan đang nắm quyền ở đó.

Dĩ nhiên, chính phủ Pakistan bác bỏ các chỉ trích trên, đồng thời nhấn mạnh không nên để sự thù địch giữa các tỉnh gây hại cho khoản đầu tư “khủng”. Nói gì thì nói, tranh cãi trên đã nêu bật những rủi ro an ninh, chính trị đối với kế hoạch được Bắc Kinh xem là một thành phần quan trọng của tham vọng “Con đường tơ lụa” trên bộ và trên biển để gắn kết với các thị trường ở Trung Đông, châu Âu. Lường trước những đe dọa tiềm tàng, quân đội Pakistan thậm chí còn lập hẳn một đơn vị đặc biệt để bảo vệ an ninh cho hành lang nói trên.