Trẻ em - Nạn nhân của thời đại

Tính đến năm 2015, trẻ em chiếm gần phân nửa số người tị nạn trên thế giới dù chỉ chiếm khoảng 1/3 dân số toàn cầu, theo báo cáo được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm 6-9.

Báo cáo cho biết khoảng 28 triệu trẻ em toàn cầu phải rời bỏ nhà cửa do xung đột bạo lực, trong đó có 10 triệu em là người tị nạn và 1 triệu em là người xin tị nạn. 17 triệu em còn lại lưu lạc trong đất nước mình. Đáng chú ý, 45% trẻ tị nạn xuất phát từ Syria và Afghanistan.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều trẻ em đi tị nạn đơn độc: Năm 2015 có 100.000 em không có người lớn đi cùng xin tị nạn ở 78 quốc gia, tăng gấp 3 lần con số năm 2014. Do những em này thường thiếu giấy tờ nên dễ bị làm hại. Bên cạnh đó, UNICEF ước tính 20 triệu trẻ em khác phải rời bỏ nhà cửa do những nguyên nhân như nghèo đói, bạo lực băng đảng...

Số trẻ em tị nạn đi một mình ngày càng tăng lên Ảnh: REUTERS
Số trẻ em tị nạn đi một mình ngày càng tăng lên Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo, trẻ em đối mặt không ít nguy cơ trong quá trình tị nạn hoặc di cư, như chết đuối khi vượt biển, bị bỏ đói khát, bắt cóc, cưỡng hiếp và sát hại... Ngay cả khi đến được nước khác, các em thường bị phân biệt đối xử hoặc là nạn nhân của sự bài ngoại. “Chúng chỉ là những đứa trẻ. Chúng xứng đáng được bảo vệ, học hành” - ông Ted Chaiban, Giám đốc phụ trách các chương trình của UNICEF, nói với hãng tin AP. Vì thế, báo cáo kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ, chăm sóc y tế và cho những đứa trẻ nói trên đi học. UNICEF cũng thúc giục các chính phủ giải quyết những vấn đề gốc rễ góp phần dẫn đến làn sóng tị nạn, di dân quy mô lớn hiện nay.

Song song đó, theo tờ Telegraph, các nhà nghiên cứu Anh vừa báo động cuộc sống hiện đại đang giết dần giết mòn giới trẻ. Theo họ, số người trẻ tuổi mắc bệnh ung thư ở nước này đã tăng 40% trong 16 năm qua do ô nhiễm không khí, thuốc trừ sâu, chế độ ăn uống kém và chất phóng xạ. Trong số này, ô nhiễm không khí là thủ phạm lớn nhất.