Trọng đãi tướng như vua

Tổng Tư lệnh Quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, vừa kết thúc chuyến thăm Ấn Độ 8 ngày, với mục đích tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng.

Cách đón tiếp Tướng Hlaing được một số cơ quan truyền thông Ấn Độ mô tả là "giống như đón tiếp nhà vua". Tổng Tư lệnh Quân đội Ấn Độ, Tướng Bipin Rawat, đã bay tới Bodh Gaya - một thánh địa Phật giáo ở bang Bihar - và tổ chức chiêu đãi vị thượng khách.

Tướng Hlaing còn có nhiều cuộc gặp cấp cao với giới lãnh đạo Ấn Độ, bao gồm Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng Quốc phòng Arun Jaitley. 

Vấn đề là tại sao Ấn Độ lại đối đãi đặc biệt với một vị tổng tư lệnh quân đội, vốn không phải người đứng đầu nhà nước hay chính phủ?

Trọng đãi tướng như vua - Ảnh 1.

Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (trái) gặpThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm cuối tháng 7 Ảnh: PMINDIA

Thứ nhất, chuyến thăm diễn ra giữa lúc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng tại biên giới. Với việc trải thảm đỏ đón Tướng Hlaing, Ấn Độ muốn gửi thông điệp mạnh đến Trung Quốc, rằng họ sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh với Myanmar nói riêng và các nước ASEAN nói chung.

Thứ hai, New Delhi hiểu quyền lực và ảnh hưởng đặc biệt của quân đội Myanmar. Có quan hệ tốt với quân đội Myanmar, Ấn Độ có thể xử lý các nhóm vũ trang đang hoạt động ở miền Đông Bắc đất nước. Nhiều nhóm trong số này đặt căn cứ bên trong Myanmar.

Thứ ba, Ấn Độ đang tìm cách lấy lại ảnh hưởng chiến lược ở châu Á thông qua chính sách "Hướng Đông" của mình.

Với nỗ lực đối trọng với Bắc Kinh, New Delhi đang lên kế hoạch tăng hỗ trợ quân sự cho Naypyidaw. Hiện Ấn Độ cung cấp cho Myanmar pháo hạng nhẹ, súng phóng lựu, súng trường, radar, đạn cối, thiết bị nhìn đêm, phần mềm tập trận, tàu tuần tra, thiết bị siêu âm... Ấn Độ cũng thường xuyên cho tàu đến thăm các cảng Myanmar cũng như diễn tập tuần tra chung ở biên giới trên biển giữa 2 nước.

Myanmar hiện theo đuổi chính sách cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn nhất vào Myanmar trong những năm nước này bị quốc tế trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, sau khi các lệnh trừng phạt được tháo dỡ cùng quá trình cải cách dân chủ ở Myanmar, Naypyidaw dù không muốn làm phật lòng Bắc Kinh song vẫn muốn mở rộng quan hệ đối tác để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nước.