Trung Quốc “đau đầu" với đập Tam Hiệp

(NLĐO)– Trong cuộc họp ngày 19-5 của Quốc vụ viện, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến dự án đập Tam Hiệp.

Dù ca ngợi về những thành tựu ban đầu của dự án như giúp giảm bớt lũ lụt và sản xuất điện nhưng các quan chức thừa nhận có những vấn đề cấp bách cần được giải quyết như bình ổn và cải thiện đời sống cho người tái định cư, bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa địa chất…
 
img
Mực nước biến đổi của hồ chứa đập Tam Hiệp thường xuyên gây lở đất...
 
img
...gây nguy hiểm cho người dân sống gần đó
 
Hiện nay, tình hình biến động mực nước của hồ chứa dài 660km thuộc đập Tam Hiệp thường xuyên gây ra lở đất, làm nguy hại đến tính mạng người dân sống gần khu vực.  Bắc Kinh cũng thừa nhận hồ chứa khổng lồ trên cũng ảnh hưởng giao thông hàng hải, thủy lợi và nguồn nước.
 
Đập Tam Hiệp được xem là “giấc mơ” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông. Con đập này bắt đầu xây dựng năm 1994 và cơ bản hoàn thành vào năm 2006 với chi phí lên đến 40 tỉ USD.
 
Tuy nhiên, dự án đập này gây ra không ít tranh cãi ngay từ trước khi được phê duyệt do e ngại về tương lai của hơn 1,3 triệu dân tái định cư, sự biến mất của nhiều công trình và địa điểm có giá trị văn hoá, cũng như những tác động về môi trường.
 
img
Vấn đề môi trường do đập Tam Hiệp gây ra cũng rất nghiêm trọng
 
1/3 đại biểu Quốc hội nước này không tán thành việc xây đập Tam Hiệp. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn tiến hành dự án với lý do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tăng cao.