Trung Quốc muốn dọa các nước khác

Trao đổi với Báo Người Lao Động, TS Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định như trên về hàng loạt động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông

* Phóng viên:Bất chấp phản ứng của Việt Nam, Philippines và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vừa thiết lập bộ máy hành chính ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” và xây dựng đơn vị quân đội đồn trú trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mưu đồ của Trung Quốc là gì?

- TS Bonnie Glaser: Trung Quốc cho rằng các nước đang tranh chấp trên biển Đông với mình có những hành vi gây hấn và xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc luôn nại cớ đó để bao biện rằng các hành động của họ chỉ mang tính tự vệ.
 
Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển và thế là Trung Quốc phản ứng, họ nói đấy chỉ là phản ứng chứ không phải là hành vi khiêu khích. Với việc thiết lập đơn vị đồn trú (trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), quân đội Trung Quốc rõ ràng muốn tăng cường sự hiện diện và quy mô ở Hoàng Sa. Ý đồ của Trung Quốc là muốn dọa các nước khác rằng họ sẽ tiếp tục “đấu” để hơn thua vì những vấn đề đang tranh chấp.
 
img
TS Bonnie Glaser

* Hàng loạt hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông những ngày qua, trong đó có tập trận bắn đạn thật, lộ rõ ý đồ xâm lấn của nước này. Theo bà, các nước đang tranh chấp với Trung Quốc nên làm gì?

- Ngăn chặn sự leo thang là mối quan tâm của tất cả chúng ta. Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) là bước đi đầu tiên thuận lợi, có khả năng ràng buộc và khắc chế bạo lực. Sự đoàn kết trong ASEAN về vấn đề biển Đông là tối quan trọng. Các nước thành viên ASEAN không có tranh chấp ở biển Đông cũng cần phải ủng hộ các nước có tranh chấp (với Trung Quốc) trong chuyện này. Tuy nhiên, sử dụng vũ lực là hành vi không thể chấp nhận trong mọi trường hợp.

Những nỗ lực để đạt đến một tiến trình chung cho COC vẫn đang tiếp tục được theo đuổi. Tôi nghĩ rằng các quốc gia có tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc nên tiếp tục thống nhất và kiên định để đưa một số nội dung tranh chấp ra tòa án quốc tế nhờ phân xử. Có như vậy mới hy vọng giải quyết được vấn đề.