Trung Quốc quyết triệt mại dâm

Bộ Công an Trung Quốc ra lệnh mở chiến dịch phá tệ nạn mại dâm, cờ bạc và mua bán ma túy trên toàn quốc

Sau khi thông tin trên báo chí chứng minh mại dâm phát triển mạnh ở TP Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông nhưng bị một số quan chức làm ngơ, Bộ Công an Trung Quốc nhanh chóng mở cuộc họp và cử người đến Quảng Đông tìm hiểu.

Theo thông báo trên trang web của bộ này hôm 16-2, lực lượng an ninh các nơi cần rút ra bài học từ trường hợp Đông Hoản, đó là quét sạch tội phạm để nâng cao ý thức của người dân về vấn đề an toàn cũng như mức độ hài lòng của họ. “Tất cả phải được điều tra đến cùng, không khoan dung hay giơ cao đánh khẽ” - thông báo nêu rõ.

 

Cảnh sát bắt giữ gái mại dâm trong đợt truy quét ở Đông Hoản Ảnh: DƯƠNG THÀNH DẠ BÁO
Cảnh sát bắt giữ gái mại dâm trong đợt truy quét ở Đông Hoản Ảnh: DƯƠNG THÀNH DẠ BÁO

 

Sau chiến dịch trấn áp mại dâm tại “kinh đô tình dục” Đông Hoản, giới chức tỉnh Quảng Đông đã cách chức phó thị trưởng kiêm cảnh sát trưởng thành phố là ông Nghiêm Tiểu Khang vì không khống chế được nạn mại dâm lan tràn. Ngoài ra, trong đợt đột kích khoảng 2.000 khách sạn, nhà tắm hơi…, cảnh sát bắt giữ ít nhất 920 nghi phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Đông.

Tuy nhiên, chiến dịch chống mại dâm gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số người tỏ ra cảm thông khi cho rằng các đối tượng hành nghề nhạy cảm chỉ vì miếng cơm manh áo. Nhiều người khác nói Đài Truyền hình trung ương (CCTV) chưa truy ra ngọn ngành của ngành công nghiệp này.

Nhân dân Nhật báo hôm 17-2 cho biết ít nhất 9 tỉnh ở Trung Quốc đã bắt đầu triển khai truy quét mại dâm quy mô lớn. Trong khi đó, cảnh sát Hồng Kông cũng lên kế hoạch tương tự vì lo ngại đặc khu này sẽ trở thành nơi trú tạm của gái mại dâm.

"Rõ ràng phải có tiềm năng thì thương mại tình dục mới đột nhiên phát triển nhanh chóng như vậy ở Đông Hoản. Dĩ nhiên, mại dâm luôn kéo theo một loạt vấn đề như ma túy, rửa tiền, bảo kê…” - một sĩ quan cảnh sát ở Hồng Kông nói.

Riêng Tân Hoa Xã lo ngại ngành kinh doanh xác thịt béo bở đến độ những người sống bằng nghề này từ lâu không còn e sợ các cuộc trấn áp. Hãng tin cảnh báo các nhà chức tránh phải tránh chuyện bắt bớ bên này, bên kia lại rộ.