TT Obama gởi thông điệp mạnh tới Trung Quốc về biển Đông

(NLĐO) – Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 28-9 đã gửi thông điệp mạnh đến Trung Quốc khi khẳng định Washington quan tâm đến việc duy trì các nguyên tắc cơ bản về tự do hàng hải ở biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc cũng như các bên liên quan giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình.

Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ nói: “Mỹ không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Chúng tôi không phân xử vấn đề tranh chấp nhưng muốn tất cả các nước họp mặt tại đây. Chúng ta quan tâm đến việc duy trì các nguyên tắc cơ bản về tự do hàng hải, thương mại và giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, không phải bằng vũ lực”.

Tổng thống Obama cho biết ông nhận thấy quan hệ ngoại giao về vấn đề tranh chấp trên biển Đông khá khó khăn và “kết quả đôi khi không được thỏa mãn, điều này cũng rất hiếm trong hoạt động chính trị”. Ông chủ Nhà Trắng nhận định: “Đối với các nhà lãnh đạo của những nước lớn, tôi tin rằng họ có nghĩa vụ giải quyết rủi ro, vì các quốc gia này đủ mạnh để bảo vệ lợi ích của họ trong trường hợp ngoại giao thất bại”.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 28-9 đã gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 28-9 đã gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc. Ảnh: AP

 

Cũng trong bài phát biểu dài gần 40 phút, Tổng thống Obama đã đề cập đến cuộc khủng hoảng di cư leo thang, những hàng rào được dựng lên ngăn người nhập cư, hoạt động của Nga ở Crimea, cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và vấn đề hạt nhân Iran.

Theo lãnh đạo này, thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua, giúp tránh khỏi khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh và “thế giới an toàn hơn”.

Về vấn đề Nga sáp nhập Crimea và có hành động khiêu khích ở miền Đông Ukraine, Washington thừa nhận lịch sử “sâu sắc và phức tạp” giữa Nga và Ukraine. Ông Obama cho rằng: “Chúng ta không thể đứng nhìn khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia bị vi phạm trắng trợn. Nếu điều đó xảy ra tại Ukraine mà không gây hậu quả, thì cũng có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào khác đang có mặt tại đây hôm nay. Đó là cơ sở của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt đối với Nga. Không ai mong muốn trở về thời kỳ chiến tranh lạnh”.