Ukraine: Pháo vẫn rền vang ở Debaltseve

(NLĐO) – Giao tranh vẫn nổ ra ở miền Đông Ukraine ngày 19-2, một ngày sau khi phe ly khai đẩy lùi quân chính phủ khỏi thị trấn chiến lược Debaltseve.

Việc hàng ngàn binh lính Ukraine bị vây hãm rút khỏi Debaltseve là một trong những thất bại tồi tệ nhất của chính quyền Kiev sau 10 tháng đụng độ ở miền Đông nước này.

Dù vậy, pháo vẫn trút xuống gần Debaltseve trong ngày 19-2. Phóng viên Reuters ở Vuhlehirsk, một thị trấn trong tay phe ly khai gần Debaltseve xác nhận đạn pháo không ngớt dù mức độ căng thẳng có giảm xuống.

 

Quân đội Ukraine rút về thị trấn Artemivsk ở phía Bắc Debaltseve hôm 19-2. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine rút về thị trấn Artemivsk ở phía Bắc Debaltseve hôm 19-2. Ảnh: Reuters

 

Binh lính Ukraine ở Artemivsk. Ảnh: Reuters
Binh lính Ukraine ở Artemivsk. Ảnh: Reuters

 

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ra lệnh cho Bộ Năng lượng và Công ty Gazprom nghiên cứu kế hoạch cung cấp khí đốt cho các khu vực phe ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Theo hãng tin TASS, đây được xem là viện trợ nhân đạo trong trường hợp Kiev không nối lại cung cấp khí đốt ở đây.

Trong khi đó, quân đội chính phủ về đến thị trấn Artemivsk sau khi rút khỏi Debaltseve. “Suốt cả đường rút lui, chúng tôi bị bao phủ bởi những làn đạn súng máy và súng phóng lựu” – một binh sĩ tên Vadim thuộc Lữ đoàn 30 của Ukraine kể lại.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 19-2 cho hay 13 binh sĩ thiệt mạng trong lúc rút lui khỏi Debaltseve một ngày trước và có 82 binh sĩ không rõ tung tích. Ngoài ra, có 157 binh sĩ bị thương và 93 người bị bắt làm tù binh.

Còn quân ly khai tuyên bố bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi Debaltseve với ý định áp dụng lệnh ngừng bắn tại đây. Hãng thông tấn Donetsk dẫn lời người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Zakharchenko nói: “Số binh sĩ Ukraine thiệt mạng tại Debaltseve khoảng 3.000-3.500 người. Thật tiếc là các nhà cầm quyền Kiev đã không lắng nghe lý lẽ và hạ vũ khí”.

Ngoài ra, các quan chức quân đội địa phương cho hay quân ly khai còn bắn súng cối vào các vị trí đóng quân của Kiev gần thành phố cảng Mariupol. Với 500.000 dân, Mariupol là thành phố lớn nhất do Kiev kiểm soát nằm giữa hai tỉnh Donetsk và Luhansk. Do đó, Kiev lo sợ quân ly khai cố chiếm Mariupol để nối liền một dải lãnh thổ mà họ chiếm đóng.

Theo Reuters, ngoại trưởng 4 nước Đức, Pháp, Nga và Ukraine sẽ họp bàn thêm trong ngày 19-2 về việc tthực thi thỏa thuận hòa bình mới đạt được ở Minsk – Belarus. Cùng ngày 19-2, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa sẽ hối thúc phe ly khai Ukraine trao đổi tù binh theo thỏa thuận Minsk.

Trong khi đó, trên trang web của mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho hay trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Putin rằng “không thể giả vờ rằng diễn biến ở Debaltseve phù hợp với thỏa thuận Minsk”.

 

Tổng thống Poroshenko trên trực thăng đến Artemivsk ngày 18-2. Ảnh: Reuters
Tổng thống Poroshenko trên trực thăng đến Artemivsk ngày 18-2. Ảnh: Reuters

 

Trong diễn biến khác, không quân Anh phải điều chiến đấu cơ Typhoon lên giám sát 2 máy bay ném bom Nga ngoài khơi bờ biển Cornwall hôm 18-2. Bộ Quốc phòng Anh cho biết máy bay Nga không xâm phạm không phận Anh.

Cũng trong ngày 18-2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho rằng NATO phải sẵn sàng đáp trả trong trường hợp Nga “gây nguy hiểm” cho các nước vùng Baltic.