Vì sao ông Nicolas Sarkozy thất bại?

(NLĐO)- Tổng thống (TT) sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã gọi điện chúc mừng đối thủ của mình là ông Francois Hollande “gặp nhiều may mắn trước những thử thách” vào khoảng 20 giờ ngay trong ngày bầu cử.

Ông Sarkozy tuyên bố một mình nhận trách nhiệm về sự thất bại bầu cử và “chuẩn bị trở thành một người Pháp giữa những người dân Pháp” nhưng động viên các nhà lãnh đạo Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) vẫn cứ tin cậy ông “nhằm bào vệ những giá trị của chúng ta trong giai đoạn mới”.
 
 img
TT Pháp sắp mãn nhiệm nói chuyện với người ủng hộ sau khi có kết quả bầu cử - Ảnh AP

 
Cựu thủ tướng Jean Pierre Raffarin nhận định trên truyền hình France 2 rằng sự lãnh đạo của UMP “thiếu đa dạng”, đồng thời kêu gọi UMP cố gắng trở thành một lực lượng đối lập mạnh và đoàn kết trước cuộc bầu cử quốc hội từ ngày 10 đến 17-6. Cuộc vận động tranh cử bắt đầu ngay từ ngày 7-5 sẽ có ý nghĩa “quyết định cho sự cân bằng quyền lực”. Tổng Thư ký UMP Jean-Francois Copé kêu gọi: “Phải tự động viên vì tôi tin rằng trao tất cả quyền lực cho một đảng phái chính trị là điều không tốt”.

 

Nhìn chung, theo hãng tin Reuters,  các nhà phân tích chính trị cho rằng kết quả bầu cử vừa qua phản ánh mong muốn có sự thay đổi của số đông cử tri Pháp.

 

Một trong những cố vấn của ông Sarkozy là Alain Minc cho rằng UMP đã đánh giá thấp đối phương. Ông Minc nhìn nhận: “Tôi nghĩ rằng Francois Hollande đã cho thấy một tinh thần mạnh mẽ khác thường trong năm nay”. Một cố vấn khác của ông Sarkozy nói rằng cho tới cuối tháng 1, ông vẫn  mong muốn có một chiến lược tranh cử khác để giành cử tri như tăng cường bảo trợ xã hội, thực hiện phân quyền, xem xét và áp dụng mô hình kinh tế giống như ở Đức.

 

Nhiều người nhìn nhận ông Sarkozy là chính khách có tài, từng giữ chức thị trưởng năm 28 tuổi, nghị sĩ năm 34 tuổi, bộ trưởng vào năm 38 tuổi và TT ở tuổi 52. Lúc đỉnh cao quyền lực, ông được mến mộ chỉ sau cố TT Charles De Gaulle. Tuy nhiên, chuyên gia Stephane Rozes thuộc Cap Institute cho rằng khuyết điểm quan trọng nhất của ông Sarkozy là bình thường hóa công việc chính trị và hạ thấp qui chế chức vụ TT theo ý mình.

 

Nhiều người phê phán ông Sarkozy thân cận giới giàu có, tạo nhiều cơ hội chứng tỏ mình là chính khách toàn cầu; hình ảnh ông mang đồng hồ Rolex và mắt kính Ray-Ban trong thời buổi khắc khổ khiến cử tri quay lưng với TT Sarkozy.

 

Một trong những quyết định gây tai tiếng nhất của ông Sarkozy là để  cho người con trai Jean Sarkozy, lúc đó 23 tuổi, chưa từng tốt nghiệp đại học và là thành viên của một hội đồng địa phương, nhắm tới chức vụ trưởng cơ quan phát triển công cộng tại khu phố La Defense, ngoại ô Paris. Mặt khác, TT Sarkozy cũng phải chật vật đối phó với việc thu hẹp tín dụng hồi năm 2008 và các cuộc khủng hoảng tài chính sau đó.