Ám ảnh đuối nước

Chỉ 1 ngày sau khi xảy ra 2 vụ đuối nước ở Nghệ An và Hà Tĩnh làm 4 em nhỏ thiệt mạng, 1 vụ đuối nước khác hôm 24-5 ở Bắc Giang khiến 3 bé gái vĩnh viễn không trở về với cha mẹ, thầy cô, bạn bè.

Cả 7 em đều là học sinh THCS. Các em ra đi mang theo những dự định vui chơi đơn giản của tuổi nhỏ khi mùa hè về với cái nóng như thiêu đốt.

Mức độ bi thương và tính chất báo động còn cao hơn khi 10 ngày trước đó, hôm 14-5, có đến 5 đứa trẻ cùng ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tử vong trên chính con sông quê nhà. Tính ra, trong vòng hơn 10 ngày, đã có đến 12 em thiệt mạng vì đuối nước.

Nhưng con số trên còn khác xa với thực tế. Theo một thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tỉ lệ tai nạn chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chỉ đứng sau tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông. So với các nước phát triển, tỉ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam cao 8-10 lần. Trong các báo cáo thường niên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm nào số trẻ chết đuối trên cả nước cũng không dưới 3.500 em.

Chưa hết, theo một kết quả điều tra khác của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ bị chết đuối, đặc biệt trong những tháng hè. Nếu con số này là kết quả của một cuộc khảo sát khoa học và thu thập dữ liệu chính xác thì thật kinh hoàng, bởi nó chỉ thấp hơn khoảng 3.000 người so với con số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm vốn là nỗi ám ảnh triền miên của xã hội và gia đình.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao trong gần một thập niên qua, năm nào truyền thông cũng lên tiếng, xã hội cũng báo động, rồi hết cuộc họp này đến hội nghị kia nhưng hiệu quả ngăn ngừa đuối nước vẫn còn thấp?

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Sau đó, Việt Nam có rất nhiều nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; tạo sự hài hòa giữa Công ước Quyền trẻ em và luật pháp quốc gia; đẩy mạnh quản lý nhà nước về trẻ em; tăng cường nguồn lực đầu tư cho trẻ em, đặc biệt là ngày càng quan tâm đến vai trò của chính trẻ em và người chưa thành niên. Tuy nhiên, với nhiều ngàn trẻ chết đuối mỗi năm, chưa kể hàng ngàn em thiệt mạng vì tai nạn khác, thì đó thật sự là vấn đề đang thách thức quyền được bảo vệ và được an toàn của các em.

Hiếu động, thích khám phá và tương đối khó kiểm soát là những nét nổi bật ở trẻ em. Đặc điểm của tai nạn đuối nước là có thể xảy ra trong tích tắc ở sông, suối, biển, ao, hồ... khi không có người giám sát. Vì vậy, phòng tránh đuối nước đòi hỏi không chỉ cho trẻ học bơi mà quan trọng hơn là giáo dục các em về kỹ năng ứng phó với bất trắc, hướng dẫn vui chơi ở đâu, chơi thế nào để vừa hứng thú vừa an toàn.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Việc bảo vệ và tạo sự an toàn cho trẻ em chỉ có thể đạt nhiều tiến bộ hơn khi cả xã hội, gia đình và nhà trường đều ý thức rằng đó là trách nhiệm của các bên được minh định trong công ước quốc tế và luật pháp quốc gia.