Cần cập nhật thông tin biển đảo trong sách giáo khoa

Đồng tình với ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trên Báo Người Lao Động số ra ngày 22-7, bên lề QH ngày 22-7, các ĐBQH đã chia sẻ về ý nghĩa và giá trị của những tri thức, thông tin về chủ quyền biển đảo của đất nước được đưa vào sách giáo khoa.

Từ những kiến thức được học, học sinh sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử mở mang bờ cõi và truyền thống giữ nước của cha ông, đặc biệt là chủ quyền biển đảo trên biển Đông.

GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho rằng những kiến thức về lịch sử và chủ quyền đất nước liên quan đến biển Đông cần phải được bổ sung để đưa vào sách giáo khoa.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu rõ Việt Nam có trên 3.200 km bờ biển và cuộc sống, nguồn gốc của ông cha cũng gắn liền với biển đảo, từ truyền thuyết “Mẹ Âu Cơ - Lạc Long Quân có 50 người con xuống biển, 50 con lên núi”. Kiến thức về chủ quyền biển đảo rất hữu ích cho học sinh ở mỗi bậc học hay sinh viên ngành xã hội và nhân văn ở bậc đại học.