Cháy xe: 1 năm nữa sẽ rõ nguyên nhân !

Bộ GTVT cùng Bộ Công an, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương… cùng nghiên cứu về các vụ cháy xe nhưng ít nhất phải một năm nữa mới có thể biết được nguyên nhân và cách phòng chống

Liên tiếp trong những ngày qua, hàng loạt vụ xe máy và ô tô tự cháy tiếp tục xảy ra. Người dân rất hoang mang bởi cho đến nay dù các cơ quan chuyên ngành ở cấp cao nhất đã vào cuộc điều tra nhưng nguyên nhân của phần lớn các vụ cháy xe vẫn… bí hiểm.  

Quá chậm chạp!

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-4, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về các nguyên nhân cháy xe và biện pháp phòng chống do Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương… đã được thông qua và đang trong giai đoạn duyệt kinh phí thực hiện.
Thời gian thực hiện đề tài này, dự kiến mất khoảng 18 tháng. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của vấn đề này, dự kiến đề tài nghiên cứu sẽ hoàn thành, nghiệm thu sau khoảng một năm.
img

Các cơ quan chức năng quá chậm chạp trong việc tìm ra nguyên nhân cháy xe

Theo ông Trịnh Ngọc Giao, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra dây chuyền lắp ráp của một số hãng ô tô, xe máy lớn trên cả nước. Cơ bản các hãng đều tuân thủ yêu cầu về lắp ráp, an toàn kỹ thuật cũng như phòng chống cháy nổ.
Việc tìm ra nguyên nhân cháy xe sẽ được thực hiện qua nhiều bước, trước hết là nghiên cứu những trường hợp xe cháy trong thời gian gần đây để đưa ra đánh giá tổng quan, sau đó sẽ tiến hành lấy mẫu xăng ngẫu nhiên tại một số vùng miền thường xuyên xảy ra cháy nổ để thử nghiệm trên phương tiện. Thậm chí, các mẫu xăng này sẽ được pha thêm các chất phụ gia để đánh giá nguy cơ dẫn tới cháy nổ, ăn mòn động cơ thế nào…

PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, giám định dân sự - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhận định: Việc tìm nguyên nhân cháy xe quá chậm chạp. Qua các vụ cháy xe trong thời gian qua nổi lên nhiều nghi vấn xung quanh chất lượng nhiên liệu xăng dầu nhưng việc xử lý các cây xăng vi phạm, pha trộn nhiên liệu trái quy định hiện quá nhẹ. “Chúng tôi muốn xin mẫu tại các cây xăng đó về nghiên cứu cũng không được, trong khi việc xử lý các cây xăng thế nào thì người dân cũng không được biết” - ông Hùng nói.

Bộ Công an sẽ công bố nguyên nhân ban đầu

Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C66 - Bộ Công an), cho biết theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sắp tới, Bộ Công an sẽ chủ trì buổi họp báo công bố bước đầu nguyên nhân cháy nổ xe xảy ra thời gian qua. Hiện C66 đang tập hợp báo cáo về các vụ cháy ô tô, xe máy để đánh giá về nguyên nhân cũng như đưa ra các khuyến cáo bảo đảm an toàn cho người dân.

Qua các nghiên cứu của mình, ông Hoàng Mạnh Hùng cho rằng nên tập trung vào khả năng xăng, dầu bị pha thêm methanol, acetone hoặc một số phụ gia khác nhằm tăng lợi nhuận. Methanol là hóa chất phản ứng mạnh, rất dễ cháy và hòa tan tốt trong xăng. Trong khi các nguyên liệu cấu thành vỏ xe và hệ thống dẫn nhiên liệu có cả nhựa, cao su, đồng, nhôm.
Khi nồng độ methanol đạt 15% trở lên có thể xảy ra hiện tượng ăn mòn, rồi rò rỉ qua ống nhiên liệu, gioăng cao su và có tương tác với một số kim loại như đồng, kẽm, nhôm để sản sinh ra khí dễ cháy nổ (khí hydro). Khi hỗn hợp nhiên liệu phát tán, kết hợp với không khí (ôxy) thành hỗn hợp khí có khả năng cháy nổ.

Ông Hoàng Mạnh Hùng cho rằng còn một nghi vấn khác là methanol có tính axít yếu, khi tác dụng với ôxít nhôm sẽ sinh ra khí hydro. Khí hydro nhẹ tự giải phóng ra ngoài qua các khe hở cũng như các chất dẻo. Khi nồng độ hydro đạt từ 4% đến 76% là nằm trong phạm vi nồng độ có thể cháy nổ khi gặp nguồn nhiệt hoặc tia lửa. “Khi còn làm phó viện trưởng Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), tôi cũng đã cùng anh em tìm ra các vụ cháy nổ xe do hydro gây ra” - ông Hùng cho biết.

72% vụ cháy chưa rõ nguyên nhân

Ông Trịnh Ngọc Giao cho biết rất khó để nói cháy, nổ xe trong thời gian qua do nguyên nhân nào gây nên bởi mỗi vụ việc có tính chất khác nhau. Theo tổng hợp của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên nhân cháy xe do chập điện thời gian qua chiếm khoảng 11,6%, va chạm hai xe khi lưu thông trên đường gây cháy chiếm 4,6%, hỏa hoạn tại khu để xe gây cháy chiếm 6,9%, cố ý đốt xe chiếm 2,3%, số vụ chưa rõ nguyên nhân 72%.