Cơ hội của phức hợp Cát Tiên

Hiện nay, các nước phát triển đang rất chú trọng đầu tư vào chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ rừng (REDD+) và chi trả cho dịch vụ môi trường (PES).

Đan Mạch, Nhật Bản, Na Uy và Tây Ban Nha đã tài trợ 118, 9 triệu USD cho chương trình UN-REDD+ (chương trình hợp tác với Liên Hiệp Quốc về REDD +) ở các nước đang phát triển. Việt Nam cũng được tài trợ 4,4 triệu USD cho chương trình UN-REDD+ trong giai đoạn 2009-2011.
Lưu vực sông Đồng Nai, thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên với 3 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm thuộc huyện Bảo Lâm -  Lâm Đồng là khu vực được chọn thí điểm chương trình UN-REDD+ tại Việt Nam nhằm tăng cường thể chế hỗ trợ việc bảo vệ đa dạng sinh học phức hợp Cát Tiên. Mô hình thí điểm này đang hứa hẹn được nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước.
Trong giai đoạn 2010-2012, khối các nước phát triển cam kết chi 30 tỉ USD hỗ trợ các nước đang phát triển xanh. Số tiền này sẽ tăng lên 100 tỉ USD vào năm 2020. Úc cũng dành 273 triệu AUD thông qua chương trình sáng kiến carbon từ rừng để hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ rừng. Điều này cho thấy nguồn hỗ trợ dành cho REDD+ và PES sẽ rất dồi dào trong tương lai. Đây chính là cơ hội của Vườn Quốc gia Cát Tiên trong việc tranh thủ tài chính biến đổi khí hậu thông qua chương trình PES hoặc REDD+.
Hội nghị Copenhagen năm 2009 cũng đã thống nhất các nước đang phát triển sẽ cùng với các nước phát triển cắt giảm khí thải để giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 20C. Điều này một lần nữa được thống nhất trong hội nghị ở Durban - Nam Phi năm 2011.  Khi các nước đang phát triển cam kết giảm phát thải, Việt Nam không là ngoại lệ trong nỗ lực cắt giảm phát thải này trong tương lai.
Trong 8 chính sách tăng trưởng xanh, nước ta có tính khả năng xem xét để áp dụng chính sách PES, REDD+. Hai chương trình này không những giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm thải trong tương lai mà còn mang lại nguồn thu nhập cho người dân và Chính phủ thông qua bảo vệ chính tài nguyên của đất nước mình để phát triển bền vững.
Thủy điện trước đây được xem là hợp lệ, có thể tạo tín chỉ carbon để bán ở thị trường tự do trong cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, tác động của thủy điện đối với môi trường, di dân và bản sắc văn hóa rất lớn nên hiện nay chỉ những thủy điện có công suất dưới 30 MW mới được xem xét cấp tín chỉ carbon theo CDM.

Qua đó, có thể cho thấy phức hợp Cát Tiên có tiềm năng rất lớn trong việc tranh thủ tài chính từ biến đổi khí hậu cả hiện tại và tương lai. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên phân tích, đánh giá kỹ cơ hội của Vườn Quốc gia Cát Tiên trong so sánh được và mất của việc xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.