Cực lực phản đối vụ tàu TQ cắt cáp tàu Bình Minh 02

Hội Dầu khí VN vừa ra tuyên bố trước việc tàu hải giám Trung Quốc (TQ) cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí VN trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN.

Thông tấn xã VN dẫn tuyên bố của Hội Dầu khí VN nêu rõ: Ngày 26-5, 3 tàu hải giám của TQ đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí VN - hội viên tập thể của Hội Dầu khí VN, khi đang khảo sát địa chấn trong lô 146-148 cách mũi Đại Lãnh - Phú Yên 116 hải lý về phía Đông, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chủ quyền của VN.
 
img
Tàu hải giám Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam. Ảnh: TTXVN
 

Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, gây thiệt hại về kinh tế đối với Tập đoàn Dầu khí VN.
 
Hành động này cũng đã đi ngược lại cam kết của TQ tại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước VN và TQ.
 

Hội Dầu khí VN cực lực phản đối hành động sai trái nói trên của phía TQ. Việc doanh nghiệp dầu khí VN thực hiện khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước mình là việc làm bình thường và đã được tiến hành từ những năm 1980, hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

 

Hội Dầu khí VN kêu gọi phía TQ tuân thủ nghiêm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà TQ là nước thành viên, cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm túc các cam kết nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN; bồi thường những tổn thất mà các tàu hải giám của TQ gây ra cho Tập đoàn Dầu khí VN.
 

Hội Dầu khí VN khẳng định luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước VN – TQ, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, vì lợi ích của hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực.