Đừng quản không nổi thì cấm!

Lẽ thường, để biết một người có tội hay không, cơ quan công an phải điều tra, viện kiểm sát phải kiểm sát điều tra xem bị can có bị ép cung, dùng nhục hình hay không... rồi mới truy tố ra tòa xét xử. Kể cả khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo vẫn vô can nếu tòa chưa tuyên có tội.

Nói vậy để thấy rằng có một quyết định hợp lòng dân, sát thực tế... đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đi sâu tìm hiểu chứ không phải cứ hứng lên là cấm, là hạn chế, như một số địa phương đang làm.

Đơn cử câu chuyện thời sự đang diễn ra: Các hãng taxi chạy đua lách luật để tăng đầu xe trong bối cảnh TP HCM và Hà Nội khi thấy taxi phát triển quá nhanh về số lượng nên tìm cách hạn chế. Lý do, taxi quá nhiều sẽ gây rối trật tự giao thông; phá vỡ kế hoạch phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Và lẫn trong đó là cả ngàn taxi “dù” tung hoành như ngựa bất kham.

Ở các địa phương này, cụ thể là sở giao thông vận tải (GTVT), nhiều năm bỏ quên bản quy hoạch taxi, đến khi thống kê thấy quá nhiều thì lập tức hạn chế. Do đó, việc các doanh nghiệp lách đủ kiểu để tăng đầu xe có phần lỗi không nhỏ của các cơ quan quản lý.

Nhìn lại, dễ dàng thấy trước khi ban hành lệnh hạn chế taxi, tại TP HCM, Sở GTVT vô tư để số lượng taxi tăng lên từng ngày, cho phép nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi ra đời mà không hề đưa ra một giải pháp hạn chế hay khuyến cáo nào dù chỉ tiêu phát triển taxi đã có trong kế hoạch, quy hoạch.

Việc cấm đột ngột như vậy chẳng khác nào đẩy các doanh nghiệp taxi đang trong quá trình xây dựng thương hiệu đến bờ vực phá sản.

Bởi thế, đã có doanh nghiệp taxi bức xúc: “Điều kiện thành bại của doanh nghiệp taxi là số lượng xe, thương hiệu xe. Nếu xe không đủ để phủ địa bàn thì cầm chắc mất khách. Không ít doanh nghiệp taxi chấp nhận thua lỗ ở giai đoạn đầu để gầy dựng thương hiệu. Vì vậy, lệnh cấm phải được thông tin công khai trước đó cho người ta biết mà tính chứ!”.

Ở Hà Nội cũng vậy. Hồi cuối tháng 6-2014, Sở GTVT TP Hà Nội đưa ra giải pháp “Triển khai thí điểm dán phù hiệu riêng cho taxi hoạt động trên địa bàn” nhằm ngăn ngừa taxi “dù”, taxi ngoại tỉnh tràn vào gây quá tải đô thị. Khi ấy, nhiều chuyên gia giao thông đã sớm cảnh báo: Thua! Thực tế tới nay, Hà Nội vẫn bó tay trước số lượng taxi tăng lên từng ngày.

Thất bại là đúng bởi cách làm trên chỉ giải quyết phần ngọn. Phần gốc của vấn đề chính là do trước đây việc thành lập một doanh nghiệp taxi quá dễ dãi. Theo đó, đã xuất hiện những doanh nghiệp taxi chỉ lăm lăm bán thương hiệu, bán tổng đài để thu tiền; không hề có bất kỳ một ràng buộc nào giữa chủ xe và doanh nghiệp. Suy cho cùng, lỗ hổng nằm ở cơ chế, mà cơ chế là do các cơ quan chức năng lập ra và tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng, do đó khi “có chuyện” không thể cấm “ngang xương” mà phải tính toán thiệt hơn mọi bề, nhất là đừng dồn người dân, doanh nghiệp vào chân tường chỉ vì để... nhẹ gánh trách nhiệm cho mình.