Hòa nhập cộng đồng - những khó khăn và bất cập
XÃ HỘI.- Hệ thống chính sách an sinh xã hội cho người khuyết tật khá đầy đủ, nhưng chưa được thực hiện đồng bộ
Người khuyết tật phải biết dựa vào xã hội
Đề cập đến mối quan hệ giữa xã hội và NKT, bà Trần Thị Ngời – Hiệu trưởng Trường Khuyết tật Thính giác Hy Vọng 1 - cho rằng: NKT trước hết cần được giúp đỡ thích nghi với những khuyết tật để có thể tự tin đi vào cuộc sống. Ngoài việc cần được sống, họ còn cần được giúp đỡ để học hành, phục hồi chức năng và phát huy tiềm năng của bản thân, được đào tạo nghề nghiệp, kể cả những kỹ năng sống độc lập. Chính điều này sẽ giúp họ có khả năng tự nuôi sống bản thân, không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, xã hội cần phải thay đổi cách nhìn đối với NKT, cho rằng NKT là “bỏ đi”, chẳng làm được gì cả. Không nên ném vào NKT cái nhìn tiêu cực và thiếu thiện chí. Điều đó khiến họ càng tự ti và gây ảnh hưởng xấu trên cuộc sống của họ. Về bản thân NKT cũng cần phải biết chấp nhận khuyết tật của mình để tự tin đứng lên, họ phải liên kết nhau qua các nhóm hội, CLB, cần kiên trì học tập và rèn luyện bản thân để thích nghi với cộng đồng; can đảm dựa vào bản thân và xã hội để đứng lên. NKT cũng cần phải biết bản thân họ cũng có thể đem lại lợi ích cho xã hội, nếu như họ biết dựa vào xã hội để vươn lên với sự nỗ lực của bản thân mình. Trường hợp anh Tăng Tấn Quốc – chuyên viên hệ thống mạng của Công ty TNHH Đồng Hành - là một ví dụ. Bị mù từ lúc lên hai tuổi, anh luôn cảm thấy mình bất lực trước cuộc sống, nhưng nhờ gia đình, bạn bè động viên an ủi, anh đã học và tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường CĐ Sư phạm TPHCM. Ra trường, có bằng nhưng đến nơi nào cũng đều bị từ chối, không nản chí anh lại học tiếp môn tin học; tự lùng sục khắp nơi để tìm mua cho được chương trình dành cho người khiếm thị rồi tự mày mò học. Và anh đã chứng minh cho mọi người thấy được rằng NKT cũng có cuộc sống như bao người bình thường, thậm chí họ còn hơn cả về mặt ý chí và nghị lực. Anh Quốc tâm sự: “Không có gì đau đớn hơn khi bạn khác biệt với mọi người xung quanh, nhưng chỉ có điều bạn có biết chấp nhận nó hay không mà thôi”.
Giáo dục, hướng nghiệp - việc làm đầy khó khăn
Anh Nguyễn Văn Cử – Hội Thanh niên Khuyết tật TP - nói: Theo khảo sát của hội thì 100% NKT nhận ra rằng: Có việc làm sẽ giảm bớt sự thất vọng và cô đơn. Thế nhưng để có việc làm họ đang phải đối đầu với hàng loạt khó khăn: Không có học vấn, không có đủ trình độ tay nghề làm việc, thị trường thay đổi nhanh, thái độ quan điểm của người sử dụng lao động, không tiếp cận được các cơ hội tự tạo việc làm, điều kiện làm việc không công bằng, chi phí liên quan tới việc làm cao. Theo anh, những trở ngại đó có thể khắc phục được. Song không phải dễ, vì hiện nay toàn TP chỉ có 2 nơi giới thiệu việc làm cho người khuyết tật do chính NKT điều hành, đó là Hội Thanh niên Khuyết tật và Công ty Đồng Hành. Vì vậy, các trung tâm DVVL cần có NKT tham vấn cho chính NKT. Những trung tâm này sẽ đóng vai trò tư vấn cho NKT các kỹ năng chuyên môn, về thông tin liên quan đến công việc, nắm được từng dạng tật giúp họ lựa chọn giải pháp khắc phục thích hợp, vừa thuyết phục các doanh nghiệp chấp nhận người lao động khuyết tật. Song song đó, xã hội hóa công tác dạy nghề và đào tạo việc làm cho NKT, sắp xếp việc làm phù hợp với sức khỏe, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, phù hợp với điều kiện kinh tế từng địa phương cũng là cơ sở để NKT phục hồi chức năng và phát triển ngay tại cộng đồng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng Việt Nam đã có một hệ thống an sinh xã hội và các chính sách tương đối khá đầy đủ cho NKT như chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục… song những chính sách này chưa được thực hiện đồng bộ. NKT vẫn còn bị giới hạn trong không gian gia đình, hay rất khó khăn khi tiếp xúc môi trường bên ngoài. Tình trạng này dẫn đến NKT không có tầm nhìn rộng cũng như không thể tham gia đầy đủ các hoạt động tại địa phương họ đang sống. Thế nhưng, cái chính là tự bản thân NKT phải tự tin phấn đấu để vươn lên.
Gần 50% người khuyết tật không có việc làm TPHCM có khoảng 70.000 người khuyết tật, chiếm khoảng 1,5% dân số TP. Có 80% người nằm trong độ tuổi lao động; trong đó 47,02% không có việc làm. (Nguồn: Hội Thanh niên Khuyết tật TPHCM)