Không chùn bước với chung cư cũ, nhà ven kênh!

Để TP HCM là nơi đáng sống thì không thể để các chung cư chờ sập, những căn nhà lụp xụp ven kênh cứ mãi trêu ngươi

UBND TP HCM khẳng định việc cải tạo chung cư cũ, nhà lụp xụp ven kênh…, nói chung là chỉnh trang đô thị, là việc cần làm ngay. Cách làm, trách nhiệm cụ thể để hoàn thành mục tiêu đã được UBND TP chỉ rõ trong điều kiện ngân sách TP được giữ lại giảm.

Phân vai cụ thể

Cụ thể, UBND TP nhấn mạnh đến năm 2020, cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch; tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.

Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục, kế hoạch, bảo đảm cân đối nguồn vốn ngân sách thực hiện các dự án thuộc Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị theo đề xuất của từng quận - huyện, sở - ngành. Tham mưu, đề xuất UBND TP xây dựng cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn viện trợ quốc tế, sử dụng nguồn vốn ODA đối với các dự án thuộc Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích hình thức đối tác công - tư (PPP) trong thực hiện các dự án đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho nhà đầu tư trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án được giao khai thác để hoàn vốn nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia.

Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu phát triển đô thị, trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình để tạo nguồn vốn. Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND quận - huyện rà soát những quỹ đất hiện có, nguồn nhà, đất dôi dư từ chương trình di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, các doanh nghiệp (DN) thực hiện tái cơ cấu, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả, những khu đất bị xử lý, thu hồi do vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất… đề xuất thực hiện phương án hoán đổi hoặc bán đấu giá, tạo nguồn vốn thực hiện chương trình. Tham mưu trình UBND TP xây dựng các cơ chế đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tiến hành đầu tư nạo vét, cải tạo tuyến kênh Đôi - Tẻ thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3.


Ngân sách giảm nhưng kế hoạch xóa nhà lụp xụp ven kênh, “triệt” chung cư chờ sập vẫn không bị ảnh hưởng bởi mọi việc TP HCM đã có kế hoạch thực hiện cụ thể Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngân sách giảm nhưng kế hoạch xóa nhà lụp xụp ven kênh, “triệt” chung cư chờ sập vẫn không bị ảnh hưởng bởi mọi việc TP HCM đã có kế hoạch thực hiện cụ thể Ảnh: HOÀNG TRIỀU

img

Đặc biệt, Sở Xây dựng bảo đảm mục tiêu cân đối quỹ nhà tái định cư (TĐC). Lập chương trình, kế hoạch phát triển quỹ nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở thương mại được xây dựng theo dự án nhằm phục vụ TĐC, đồng thời đáp ứng nhu cầu TĐC cho các hộ dân không đủ điều kiện TĐC. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội theo các phương thức như: hoán đổi quỹ nhà ở xã hội từ tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại; phát triển quỹ nhà ở xã hội từ các nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách và ngoài ngân sách. Đề xuất chuyển đổi một phần nhà TĐC thuộc sở hữu nhà nước sang nhà ở xã hội, dùng quỹ nhà xã hội này để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các hộ nghèo hoặc có thu nhập thấp không đủ điều kiện TĐC nhưng không còn nơi ở nào khác nhằm giảm bớt áp lực về vốn ngân sách phải bồi thường cho các hộ dân phải di dời.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, xác định chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt được ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ trước năm 1975 được cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới. Trong năm 2016, TP sẽ kiểm định và công bố chất lượng chung cư cũ. Trên kết quả kiểm định, UBND quận sẽ có kế hoạch cụ thể như sửa chữa, xây mới…

Liên quan đến chung cư cũ, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, nhấn mạnh chung cư nào hư hỏng phải làm ngay, chung cư nào có thể cải tạo thì sửa chữa…

Không lệ thuộc ngân sách

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM, chương trình cải tạo chung cư cũ là chương trình đang kêu gọi xã hội hóa nên sẽ ít bị ảnh hưởng khi ngân sách giảm. Đối với chương trình di dời nhà trên kênh, rạch không ảnh hưởng nhiều vì TP cũng kêu gọi xã hội hóa. Cụ thể, có 3 phương án di dời nhà trên kênh rạch, ở những kênh rạch lớn và trung thì chắc chắn sẽ không khó để kêu gọi xã hội hóa. Riêng đối với kênh rạch nhỏ (kênh ngang) không sinh lợi nhiều cho nhà đầu tư, tức khó kêu gọi xã hội hóa, nhà nước sẽ đầu tư, sẽ bỏ kinh phí ra giải tỏa. “Các dự án kênh, rạch nhỏ không nhiều nên ngân sách hoàn toàn kham được” - một vị đại diện Sở Xây dựng nói.

Trong khi đơn vị đầu tàu trong việc cải tạo chung cư cũ và nhà lụp xụp ven kênh còn chút lấn cấn về vốn ngân sách thì các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản và đô thị lại tin rằng việc giải tỏa nhà ven kênh hay cải tạo chung cư cũ không cần vốn ngân sách vẫn có thể thực hiện được. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), vừa qua, hàng loạt DN giành nhau để cải tạo chung cư cũ tại các quận trung tâm. Trong khi đó hàng loạt chung cư ở vùng lân cận như quận 11, Tân Bình thì ế ẩm, chẳng đơn vị nào đăng ký cải tạo. Việc này tạo ra lo lắng cho chính quyền.

“Ai cũng biết ở khu vực trung tâm có khả năng khai thác xây dựng dạng căn hộ cao cấp, giá trị thu về cao hơn so với vùng ven. Tuy nhiên, TP phải phòng việc có những nhà đầu tư không đủ năng lực nhưng vẫn giành làm rồi mang đi bán lại cho các đơn vị khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị ở TP HCM” - ông Châu nhấn mạnh.

Theo ông Châu, để hóa giải điều này không khó, giải pháp TP cần xem xét là năng lực thực sự của các tập đoàn, công ty xin đầu tư. Kế đến, TP cần đưa ra yêu cầu nhà đầu tư nhận cải tạo chung cư ở trung tâm thì phải kèm theo cải tạo những chung cư vùng ven; ngoài ra, cần treo thưởng cho một số dự án khác nếu đơn vị làm nhanh, làm tốt.

Hiến kế tìm vốn cho việc “triệt” nhà lụp xụp ven kênh ở TP mà không cần đến ngân sách, tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói rằng để giải tỏa nhà ven kênh rạch, chính quyền ngoài việc áp dụng phương pháp công - tư hợp tác, cần phải khai thác triệt để quỹ đất dọc 2 bên bờ kênh để lấy tiền bù đắp. “Ở Đà Nẵng, khi tiến hành quy hoạch đường, chính quyền giải tỏa thâm hậu thêm vài chục mét để khai thác quỹ đất. Làm như vậy không lo thiếu vốn” - kiến trúc sư Nam Sơn đưa ra lời giải.

Theo kiến trúc sư Nam Sơn, khi cải tạo kênh rạch, giá trị xung quanh sẽ tăng lên, hiệu quả kinh tế rất lớn. Nhà nước chia tỉ lệ lại cho DN để họ đầu tư nhà cao tầng, sau đó lấy lại khoản tiền đó nộp vào ngân sách hoặc bù vào khoản tiền giải tỏa. Nếu không lấy tiền dôi dư thì nhà nước thỏa thuận với DN xây dựng không gian xanh, không gian mặt nước rồi cho họ khai thác. “Làm như vậy, tư nhân có lãi, nhà nước có lợi thì đâu cần đến tiền ngân sách” - kiến trúc sư Nam Sơn nói và chia sẻ thêm đây là một bài toán kinh tế không quá phức tạp, rất có lợi cho chính quyền TP. Điều quan trọng là phải thẩm định được giá trị hiện hữu, giá trị gia tăng khi cải tạo kênh rạch để đưa ra khoản lợi nhuận chung cho DN, chính quyền và người dân.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-11

Muốn được tái định cư tại chỗ

Những ngày qua, trở lại các khu nhà “ổ chuột” chạy dọc kênh Đôi - kênh Tẻ; rạch Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Xuyên Tâm (thuộc địa bàn quận Bình Thạnh)... đâu đâu người dân cũng mừng vì TP đang có cách giải quyết êm thấm khúc mắc của họ khi chắc chắn rời kênh sẽ có nhà. Thế nhưng, đằng sau sự mừng vui đó cũng có không ít nỗi lo hiển hiện. Nổi lên nhất là chuyện ai cũng mong ngóng được TĐC tại chỗ.

Theo bà Lan, một hộ dân sống ven rạch Văn Thánh (phường 19, quận Bình Thạnh), cách đây không lâu, chính quyền địa phương đã xuống khu vực này khảo sát và lấy ý kiến bà con trong việc di dời đến nơi ở mới. Khi đó, các phương án để người dân lựa chọn là chuyển đến một khu chung cư đã được chỉ định, nhận một nền đất TĐC hoặc lấy tiền bồi thường rồi tự tìm nơi ở mới. Tuy nhiên, bà Lan cho biết hầu hết người dân ở khu vực này vẫn rất băn khoăn với các phương án trên. Lý do là ai cũng muốn được TĐC tại chỗ bởi TĐC ở nơi khác sẽ làm đảo lộn cuộc sống vốn đã quen thuộc từ hàng chục năm nay của họ. “Chẳng hạn như gia đình tôi, các mối quan hệ, công việc làm ăn, con cái học hành... cũng đều gây dựng tại nơi này nên nếu chuyển đi quá xa thì chẳng khác nào cắt nguồn sống của mình” - bà Lan chia sẻ.