Miền Trung lại sắp phải hứng chịu mưa, lũ lớn

(NLĐO)- Do gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu động gió Đông, các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, đặc biệt là từ Quảng Nam đến Phú Yên, có thể phải hứng chịu một đợt mưa, lũ lớn.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 10 sáng 27-12 - Ảnh: Văn Duẩn

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 10 sáng 27-12 - Ảnh: Văn Duẩn

Sáng 27-12, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ để triển khai công tác ứng phó với bão số 10 và mưa, lũ.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, hoàn lưu bão số 10 rộng, bão tiếp tục đi theo hướng Tây, suy yếu dần, sau đó di chuyển theo hướng Tây Tây Nam. Bão số 10 sẽ liên tục yếu đi, dự báo sẽ tan trên biển.

Tuy nhiên, từ ngày 29-12-2016 đến 1-1-2017, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu động gió Đông, gây mưa, lũ ở các địa phương từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, với lượng mưa trên 100 mm, trọng điểm các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định vào 29 và ngày 30-12 với lượng mưa có thể lên đến 200-300 mm. Vì vậy, trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 (BĐ1) đến BĐ2, riêng tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên lũ lên mức BĐ2 - BĐ3, có nơi trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, hiện tại hồ chứa thủy lợi các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên tích nước đạt từ 85-100% dung tích thiết kế, có 36/109 hồ chứa có cửa van đang xả tràn. Về tình hình an toàn hồ chứa, các hồ chứa có tràn xả lũ bằng cửa van đang vận hành theo đúng quy trình; các địa phương và chủ hồ tổ chức trực ban thường xuyên, chủ động theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình, nhất là 24 hồ đang xuất hiện thấm qua thân đập, vai đập: tỉnh Bình Định: 23 hồ, tỉnh Quảng Trị: 1 hồ (hồ Triệu Thượng 2, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong bị thấm qua thân đập, địa phương đang tổ chức xử lý).

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện triệt để các công điện chỉ đạo của Trung ương và của Ban chỉ đạo.

Trong bối cảnh lũ vẫn chưa thoát hết ở nhiều vùng và địa phương, hầu hết các hồ chứa ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cơ bản đầy nước, nền đất xung quanh các hồ chứa đã qua 3 tháng ngâm nước mưa liên tục, rất dễ bị tổn thương, nên cần đặc biệt chú ý.

Ông Cường cũng lưu ý khi nghe tin bão sẽ tan trên biển hoặc suy yếu, thường chúng ta có tâm lí chủ quan. Ngoài ra, việc phải chống chọi với thiên tai nhiều ngày nên cũng có tâm lí mệt mỏi. “Các cấp, ngành, địa phương, nhân dân cần phải tiếp tục chủ động đối phó với bão và mưa, lũ, để giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”- ông Cường chỉ đạo.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương phải liên tục cập nhật thông tin trên biển cũng như dự báo mưa, lũ, để các cơ quan quản lý và người dân có thông tin để chủ động ứng phó với mưa, lũ.

Đối với trên biển, các địa phương thông báo ngay cho các phương tiện hoạt động trên biển. Chú ý kiểm tra công tác quản lý ở khu neo đậu tàu thuyền. Thường xuyên theo dõi dự báo để cảnh báo, thông tin tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm của bão số 10; chú ý khu cửa sông, cửa biển để đảm bảo an toàn.

Lực lượng Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư, Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu.

Bộ Công Thương trực tiếp kiểm tra các công trình đặc biệt là các hồ chứa thủy điện. Bộ NN-PTNT lập tức cử ngay đoàn công tác đi kiểm tra 24 hồ vừa qua có biểu hiện rò rỉ ở Nam Trung Bộ cũng như rà soát một số hồ xung yếu khác.

Đối với các địa phương, cần lưu ý mưa, lũ lớn ở các vùng núi sẽ rất nguy hiểm, tránh để gây thiệt hại về người.

Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 ngày 27-12, Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.280 phương tiện/335.645 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.