Muốn làm việc, phải đóng tiền “thế chân”

Để được làm việc ở Công ty CP Thuận Thảo (Phú Yên), người lao động phải nộp một khoản tiền “thế chân” để doanh nghiệp này sử dụng vào mục đích kinh doanh

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cử tri gửi đến HĐND tỉnh Phú Yên bày tỏ bức xúc về việc người lao động bị Công ty CP Thuận Thảo thu tiền “thế chân” và giữ các văn bằng.

Theo đó, những tài xế đường dài là đối tượng phải nộp tiền “thế chân” cao nhất ở Công ty CP Thuận Thảo với mức 30 triệu đồng/người trở lên. Tài xế chạy tuyến Tuy Hòa - Đà Nẵng cho biết những người không có đủ tiền “thế chân” thì khi trả lương, công ty sẽ trừ 1 triệu đồng. “Lương tháng chỉ 4 triệu - 5 triệu đồng mà trừ như vậy thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn” - một tài xế than thở.

Ngoài việc phải đóng tiền “thế chân”, các tài xế còn bị Công ty CP Thuận Thảo giữ hồ sơ gốc bằng lái xe. “Mỗi khi tài xế vi phạm giao thông, phải mất mấy ngày công ty mới cho mượn hồ sơ gốc để giải quyết. Cực lắm!” - một tài xế bức xúc.

img
Tài xế xe đường dài của Công ty CP Thuận Thảo phải nộp tiền “thế chân”

Bà Nguyễn Thị Mỹ Vương, Giám đốc nhân sự Công ty CP Thuận Thảo, cho biết việc thu tiền “thế chân” đã được thực hiện cách đây 10 năm nhằm bảo đảm người lao động có trách nhiệm hơn với tài sản của công ty.  “Khi công ty giao xe cho tài xế, nếu không nộp tiền “thế chân”, họ có thể sử dụng vào mục đích khác” - bà Vương lý giải. Theo bà Vương, hiện có 215 lao động của công ty nộp tiền “thế chân” gần 2,7 tỉ đồng. Trong trường hợp người lao động vi phạm quy chế của công ty, mức phạt có thể lên trên 10 triệu đồng. Nếu người lao động không có tiền phạt, công ty sẽ trích từ tiền “thế chân” để nộp.

Ông Nguyễn Hữu Ẩn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thuận Thảo, thừa nhận số tiền “thế chân” của người lao động được công ty sử dụng vào mục đích riêng, kể cả kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, khẳng định Công ty CP Thuận Thảo thu tiền “thế chân” cũng như giữ văn bằng của người lao động là việc làm sai trái. “Khi chúng tôi nhắc nhở, công ty hứa đến tháng 9-2012 sẽ chấm dứt việc thu tiền “thế chân” nhưng sau đó lại xin lùi thời gian đến tháng 2-2013” - ông Lãng cho biết.