Mỹ mời Tổng Bí thư sang thăm từ năm 2012

(NLĐO)- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Mỹ mời ông sang thăm từ năm 2012, tức là 3 năm nay rồi, cân nhắc lắm xem có đi không rồi mới quyết định.

 

Tổng bí thư tiếp xúc cử tri
Tổng bí thư tiếp xúc cử tri

Ngày 18-7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên trong đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13.

Cử tri Trịnh Viết Thoại (Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ, dư luận và nhân dân phấn khởi và đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Mỹ. Cử tri cảm thấy tự hào khi lần đầu tiên Tổng Bí thư của nước ta thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ. Điều đó nói lên vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trên thế giới. Nhưng vui mừng hơn khi trong cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ đã đồng tình với nước ta về vấn đề biển Đông; tầm nhìn chung Việt Nam-Mỹ tăng cường hợp tác trên các vấn đề.

Cử tri Vũ trọng Hốt đánh giá cao chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư

Cử tri Võ Trọng Hốt đánh giá cao chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư

Theo cử tri Võ Trọng Hốt (Phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Mỹ là chuyến thăm lịch sử, báo chí trong và ngoài nước đều ca ngợi. "Cả thế giới công nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tổng Bí thư đã thăm nhiều nước và nước nào cũng nhận được sự tiếp đón trọng thể, điều đó nói lên vị thế của Đảng" - ông Hốt bày tỏ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chuyến thăm Mỹ lần này là tính toán trong chiến lược tổng thể. Hai bên gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình phát triển. Khi tôi gặp kiều bào, họ tự hào về đất nước lắm, bà con đi đâu cũng tự hào là người Việt Nam và bày tỏ tin tưởng vào Đảng".

Tổng Bí thư cho biết “Mỹ mời tôi sang thăm từ tháng 7-2012, tức là 3 năm nay rồi, cân nhắc lắm xem có đi không rồi mới quyết định”.

Tổng bí thư lắng nghe ý kiến của người dân

Tổng bí thư lắng nghe ý kiến của cử tri

Theo Tổng Bí thư, Mỹ là cường quốc, có quan hệ lịch sử phức tạp với Việt Nam. Đến nay, Mỹ lại là đối tác thương mại lớn, chỉ sau Trung Quốc. Quan hệ giáo dục hai bên lại phát triển mạnh mẽ, với 17.000 sinh viên Việt Nam du học. Những năm qua, Mỹ chủ trương quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương, thắt chặt quan hệ với ASEAN mà trong đó, Việt Nam là một thành viên quan trọng.

Về quan hệ Việt - Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, hai nước có quá khứ buồn, với nhiều hậu quả chiến tranh chưa giải quyết hết. Vì thế, trong hoàn cảnh mới, đôi bên xác định “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, chứ chưa thể khép lại”, và Việt - Mỹ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tranh thủ mặt đồng thuận để hòa bình, phát triển”.

Tổng Bí thư đánh giá Mỹ chưa bao giờ tiếp một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản ở phòng Bầu Dục (Nhà Trắng). Khi đoàn Việt Nam trên đường tới thì Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cuộc tọa đàm với Tổng thống Obama sẽ có cả Phó Tổng thống Joe Biden dự. Thời gian dự kiến 45 phút nhưng thực tế kéo dài tới 1 giờ 15 phút. Gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton vừa sang Việt Nam cũng mời đoàn đến nhà.

“Đây chính là vị thế của Đảng ta, Tổng thống Mỹ phải thừa nhận vai trò của Đảng, thừa nhận chế độ chính trị này, công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.