Tiếp tay cho “hung thần xa lộ”: Phù phép rơ-moóc

Để chở những lô hàng quá khổ, quả tải nặng hàng trăm tấn, chủ xe, chủ doanh nghiệp phải hoán cải, đóng lại rơ-moóc và gia cố phương tiện

Đóng rơ-moóc có thể kéo ra thêm 7-8 m để chở hàng đến 300-350 tấn, chạy “bùa hộ mệnh” để hợp thức hóa rồi mua đường, lo trạm…, xe quá khổ, quá tải - nhất là loại siêu trường, siêu trọng - mặc sức vi vu từ Nam chí Bắc.

Trong vai nhân viên một công ty mới thành lập, cần vận chuyển một số mặt hàng siêu trường, siêu trọng, chúng tôi dọ hỏi và được nhiều tài xế đang chạy xe cho các doanh nghiệp (DN) vận tải ở TP HCM tiết lộ: “Muốn chở được các mặt hàng “khủng” thì phải hoán cải, đóng lại rơ-moóc ở một số cơ sở “ma”. Cứ ra mé quận 9, Thủ Đức thì gặp đầy cơ sở nhận đóng “moọc” như thế”.

Chở thêm gấp 7 lần!

Theo giới thiệu của cánh tài xế, chúng tôi tìm đến cơ sở chuyên đóng rơ-moóc nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua phường Long Bình, quận 9, TP HCM. Ông Long, chủ cơ sở, khẳng định đã thiết kế và đóng hàng trăm chiếc rơ-moóc đủ các kích cỡ cho các DN vận tải chuyên chở những mặt hàng với chiều dài có thể lên tới 30 m, ngang trên 3,5 m và trọng lượng 150-200 tấn.

Một lò đóng rơ-moóc chuyên chở hàng siêu trường, siêu trọng tại quận 9, TP HCMẢnh: HẢI LIÊN
Một lò đóng rơ-moóc chuyên chở hàng siêu trường, siêu trọng tại quận 9, TP HCMẢnh: HẢI LIÊN

“Thông thường, “moọc” dài 12,4 m, ngang 2,5 m, cao 1,53 m thì sức chở cho phép chỉ tối đa 23 tấn cho loại 2 trục - 8 bánh xe, 30 tấn với loại 3 trục - 12 bánh xe. Tuy vậy, để chở các loại hàng siêu trường, siêu trọng, chủ xe, chủ DN phải đóng lại “moọc” với kích thước lớn hơn để có thể chở được khối lượng hàng hóa gấp 7 lần” - ông Long cho biết.

Một rơ-moóc sau khi đã được “phù phép” - phần giữa có thể đóng lại khi đăng kiểm và kéo ra lúc chở hàng “khủng”
Một rơ-moóc sau khi đã được “phù phép” - phần giữa có thể đóng lại khi đăng kiểm và kéo ra lúc chở hàng “khủng”

Khi chúng tôi yêu cầu đóng một rơ-moóc dài 15 m, ngang 3,5 m, cao 0,9 m, đặc biệt là có thể kéo thêm ra 7 m để chở được 250 tấn, ông Long vung tay: “Tưởng nhiều lắm chứ có bấy nhiêu đó thì vô tư”. Như để chứng minh, ông ta khoe vừa đóng cho DN T.T một chiếc rơ-moóc dài 14,5 m, có thể kéo ra thêm 7 m nên đạt tổng chiều dài là 21,5 m, chở được đến 300 tấn.

Một chiếc xe độ rơ-moóc chở hàng “khủng” chuẩn bị lên đường
Một chiếc xe độ rơ-moóc chở hàng “khủng” chuẩn bị lên đường

Nhanh nhảu lấy giấy bút phác họa thiết kế chiếc rơ-moóc cho chúng tôi, ông Long khuyên nên đóng loại dài 14 m, phần kéo ra 7,5 m, tổng cộng là 21,5 m và có thể chở hàng trên 350 tấn. “Rơ-moóc dài quá, liệu có bảo đảm an toàn khi lưu thông trên đường?” - chúng tôi thắc mắc. Ông Long trấn an: “Anh cứ yên tâm, “moọc” do tôi thiết kế bảo đảm chở tới 400 tấn cũng chẳng hề hấn gì. Nếu trục trặc thì cứ mang đến đây, tôi chịu hết. Tuy nhiên, anh phải tìm những tài xế thâm niên, tay nào mới vào nghề mà ôm vô lăng lái xe chở rơ-moóc loại này là “dính” liền”.

Một chiếc rơ-moóc được phù phép theo như yêu cầu của chúng tôi mất khoảng 45 ngày với giá 650 triệu đồng. Khi chúng tôi thắc mắc cơ sở có giấy phép kinh doanh, giấy kiểm định an toàn kỹ thuật - môi trường hay hóa đơn chứng từ thanh toán gì không, ông Long phân bua: “Cơ sở của mình trước giờ chỉ đóng “moọc” cho các mối quen thôi, không cần giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ, bản vẽ thiết kế gì cả, miễn sao chở hàng an toàn là được. Khi giao “moọc”, mình sẽ viết giấy biên nhận”.

Tràn lan cơ sở chui

Vài hôm sau, chúng tôi quay lại cơ sở của ông Long để thương lượng giá cả, đồng thời nhờ làm giấy tờ rơ-moóc. Chê giá cao, chúng tôi rời cơ sở này rồi tìm đến một cơ sở đóng rơ-moóc khác nằm sát cầu vượt Sóng Thần (Quốc lộ 1, tỉnh Bình Dương).

Chủ cơ sở tên Thanh cho biết từng đóng hàng chục rơ-moóc cho một số DN vận tải, trong đó có loại kéo ra để chở hàng từ 150 đến 250 tấn. “Tôi đã đóng riêng cho Công ty TNHH Tr.H ở Vũng Tàu gần 20 chiếc” - ông Thanh giới thiệu.

Theo ông Thanh, thông thường rơ-moóc chỉ dài tối đa 14,5 m nhưng do nhiều chủ hàng yêu cầu nên cơ sở của ông phải đóng chui loại có thể rút ra thêm. Nghĩ chúng tôi chưa biết gì về cách phù phép này, ông ta giải thích: “Rơ-moóc rút có nghĩa là ở giữa sẽ đóng các hộp rút dài từ 1 đến 2 m, khi đi đăng kiểm thì đóng lại, khi có hàng “khủng” thì kéo ra chở. “Moọc” rút có thể đóng dài tối đa 21-22 m, chở được khoảng 300 tấn hàng. Tuy nhiên, khi đi đăng ký và trên giấy tờ thực chất thì “moọc” chỉ dài khoảng 14 m, ngang 3,5 m, cao 1 m thôi”.

Theo ước tính của chúng tôi, riêng trên địa bàn TP HCM đã có khoảng 20 lò chuyên đóng rơ-moóc “khủng” cho các DN vận tải. Trong số các cơ sở đóng rơ-moóc chui, nổi tiếng nhất trong giới tài xế và chủ hàng là cơ sở Tân Thanh nằm gần trường bắn Long Bình, phường Long Bình, quận 9. Hôm chúng tôi đến, cơ sở này đang chuẩn bị đóng 2 rơ-moóc dài 22 m để chở các mặt hàng 200-350 tấn. Chúng tôi đặt vấn đề đã có loại rơ-moóc lùn 2 trục, dài 14 m, ngang 3 m, cao 1 m nhưng chỉ chở được hơn 23 tấn và 1 rơ-moóc khác 3 trục chở tối đa 38 tấn nên muốn đóng thêm loại đặc biệt.

Chủ cơ sở Tân Thanh khuyên chúng tôi nên đóng loại dài 14 m, ngang 3,5 m, cao 1 m, khi cần có thể kéo ra đến 25 m. “Anh có biết 2 chiếc “moọc” biển số 51R-050… và 51R-002... của Công ty T.T hay chiếc 51R-026… của Công ty TNHH X.H không? Chúng tôi đóng đó, đều dài 21 m, ngang 3,7 m. Tụi này đã làm hàng trăm cái đủ loại cho các DN vận tải” - một người trong cơ sở quả quyết.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết để xe có thể kéo được các loại rơ-moóc chở hàng siêu trường, siêu trọng, các cơ sở thường đóng thêm đà chính, đà phụ, tăng trục bánh xe hoặc tăng bánh. Để rơ-moóc không bị quằn, loại 3 trục - 12 bánh có thể tăng lên 16 bánh. Để chở được hàng nặng hơn, các cơ sở đóng rơ-moóc chữ U cao khoảng 1 m hoặc tăng từ 8 bánh lên 12 bánh...

Bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để phù phép một rơ-moóc nhưng đó cũng chỉ mới lo xong “phần xác”. Để rơ-moóc loại này chở hàng chạy được ngoài đường, chủ xe, chủ DN phải lo thêm “phần hồn”, tức đăng ký để có biển kiểm soát và đăng kiểm...

Kỳ tới: Chạy lo “bùa hộ mệnh”

Râu ông nọ cắm cằm bà kia

Tại một lò chuyên đóng rơ-moóc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng nằm trên Tỉnh lộ 51, tỉnh Đồng Nai, khi chúng tôi yêu cầu đóng loại có thể chở được từ 100 tấn đến 200 tấn thì chủ cơ sở đồng ý ngay.

“Rơ-moóc 3 trục - 12 bánh ra biển kiểm soát đắt hơn nhiều so với 2 trục - 16 bánh nhưng có thể chở được các mặt hàng lên đến 300 tấn. Tất cả giấy tờ cho các rơ-moóc kiểu này đều râu ông nọ cắm cằm bà kia…” - chủ cơ sở này tiết lộ.

 

Cỡ nào cũng lo giấy tờ được

Nhờ một số tài xế giới thiệu, chúng tôi tìm gặp ông Trung, một người được cho là có thể lo giấy tờ cho các loại rơ-moóc “khủng”. Theo ông Trung, giấy đăng ký vẫn bảo đảm thể hiện loại rơ-moóc bình thường. “Tui chỉ sợ đầu kéo chỉ kéo được “moọc” 10 bánh nhưng loại được phù phép có đến 12, thậm chí 16 bánh, nếu chất hàng quá nặng thì xe chịu không nổi thôi. Còn giấy tờ thì “moọc” cỡ nào cũng lo được, có điều giá hơi cao”.

Ông Trung khoe từng đóng gần chục chiếc rơ-moóc và lo giấy tờ cho cơ sở vận tải Tr.Th ở quận 9, 20 chiếc cho DN Ng.L, 10 chiếc cho DN X.H, Ph.Th... “Tất cả những rơ-moóc này đều dùng để chở hàng quá khổ, quá tải đi suốt Nam - Bắc, thường là loại 240-250 tấn” - ông ta khẳng định.