Tội nghiệp môn sử

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và tự chọn 2 trong số 6 môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ.

Quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được sự đồng thuận tương đối của xã hội và ngành giáo dục, đặc biệt là học sinh rất “phấn khởi’ bởi kỳ thi đã có vẻ nhẹ nhàng hơn.

Mặc dù đến ngày 17-3 học sinh mới chính thức đăng ký các môn thi tự chọn nhưng một số trường đã cho học sinh đăng ký trước. Kết quả gây thất vọng hơn các nhà giáo dục có thể tưởng khi Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) không có học sinh nào đăng ký thi môn sử; Trường THPT Dân lập Đức Trí (quận Tân Phú, TP HCM) trong 300 học sinh lớp 12 chỉ có 16 em đăng ký thi môn này... Chưa thể đánh giá đây là xu hướng nhưng cũng dấy lên âu lo rằng tại sao học sinh lại sợ môn lịch sử đến vậy!

Không phải đến bây giờ học sinh mới tránh xa môn sử. Còn nhớ kỳ thi ĐH-CĐ năm 2011, điểm thi môn sử khối C ở nhiều trường ĐH rất thấp. Ở Trường ĐH Quảng Nam, trong số 900 thí sinh khối C thì chỉ có 1% thí sinh có điểm môn sử đạt trên trung bình. Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM) có 288 thí sinh thi môn sử thì chỉ có 1 em đạt 5 điểm, còn lại 99,65% dưới trung bình.    Tại sao học sinh yếu môn sử? Câu hỏi này nhiều năm qua, các chuyên gia giáo dục, các nhà sử học đã trăn trở tìm cách lý giải. Tựu trung tồn tại 2 vấn đề chủ yếu: Chương trình sử lớp 12 quá nặng và phương pháp giảng dạy còn nhiều bất cập.

Đúng là chương trình lịch sử lớp 12 rất dàn trải về kiến thức với biết bao sự kiện và hàng ngàn con số nhưng ở lớp 12, mỗi tuần các em chỉ có 1,5 tiết cho môn lịch sử. Về phương pháp, chủ yếu thầy đọc, trò chép, làm cho môn sử trở nên nhàm chán và học sinh bất đắc dĩ phải học môn này.

Không thể đổ lỗi cho môn lịch sử khô khan bởi học sử đâu chỉ thuộc lòng các số liệu mà còn giúp học sinh biết thêm lịch sử địa - chính trị, kiến thức văn hóa, những xu hướng phát triển của con người, của thế giới... Những kiến thức này làm nền tảng, bổ sung cho nhiều ngành khoa học khác nhau. Vấn đề là phải kết cấu lại chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, cả phương pháp sư phạm trong đào tạo giáo viên sử. Thời đại công nghệ thông tin, một sự kiện lịch sử hoàn toàn có thể tóm tắt trong một video đồ họa; những buổi thảo luận từng chủ đề cũng rất dễ thực hiện... Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mắc lỗi căn bản khi mà sách giáo khoa môn lịch sử chưa thay đổi đã đổi mới cách thi cử. Đổi mới giáo dục phải đồng bộ, phải bắt đầu từ trường sư phạm, sách giáo khoa, cách dạy... Lỗi này càng làm cho môn lịch sử trở thành gánh nặng, càng gánh càng nặng cho cả thầy lẫn trò.