Truy tận gốc rễ

Ngày 28-11-2015 có thể là một ngày nghỉ cuối tuần rất bình thường đối với mọi người nhưng với người dân thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), nhất là với bị can Huỳnh Văn Nén và gia đình, đó là ngày vô cùng đặc biệt.

Đặc biệt là bởi ông Huỳnh Văn Nén từ thân phận một phạm nhân đã hơn 17 năm mang án tù chung thân vì “Giết người và cướp tài sản” được trở về làm một công dân với đầy đủ ý nghĩa được ghi rõ trong Hiến pháp. Đặc biệt hơn nữa vì thân phận của công dân này đang được dư luận ghi nhận là “người tù lịch sử” trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Gọi ông Nén là “người tù lịch sử” thiển nghĩ cũng không sai vì trong lịch sử tố tụng Việt Nam chưa có phạm nhân nào mà suốt 17 năm thụ án nhất định không chịu nhận tội, dù biết nhận tội thì sẽ có cơ hội được đặc xá; cũng chưa có phạm nhân nào mà đích thân người đứng đầu chính quyền địa phương, rồi hàng loạt nhà báo, luật sư kiên trì hơn 17 năm trời tình nguyện đi kêu oan miễn phí…

Nhưng đặc biệt hơn cả chính là việc một công dân “vô danh tiểu tốt” như Nén mà bị kết án oan trong 2 vụ trọng án “Giết người và cướp tài sản” ở cùng một địa phương ngay chính nơi mình cư ngụ; rồi từng “lập công” trong khi thụ án bằng việc tự nhận mình cùng cả gia đình vợ (9 người) giết người để sau đó đẩy cả gia đình vợ vào vòng lao lý, may mà sau đó kỳ án oan đó được hóa giải. Trong lịch sử tố tụng Việt Nam, dẫu án oan không còn là chuyện lạ thì trường hợp của ông Nén chắc chắn là lạ lùng nhất.

Nhưng ai đã gây ra chuyện lạ lùng này? Chưa có kết luận nào từ phía cơ quan chức năng nên dư luận cũng không thể hồ đồ trút “oan khiên” lên một cơ quan hay cá nhân cụ thể nào. Nhưng oan khiên thì đã trút lên đời Nén ròng rã hơn 17 năm qua. Mà không chỉ Nén, đằng sau đó còn cả một đại gia đình đã bao năm tháng sống trong tủi nhục, khổ đau. Họ là cha, mẹ, vợ, con của ông Nén.

Cho nên khi đại tá Phạm Thật, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, ngày 28-11 công bố quyết định của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Huỳnh Văn Nén vì không phạm tội “Giết người và cướp tài sản” như quyết định khởi tố bị can của chính lãnh đạo cơ quan này ký ngày 15-5-1999 thì dư luận có quyền đòi hỏi phải làm rõ, truy tận gốc rễ, xử lý công minh những ai, vì động cơ gì mà cam tâm đẩy ông Nén ra khỏi thân phận làm người.

Chưa ai dám dũng cảm hay chí ít là lương tâm làm người tự vấn để lên tiếng nhận trách nhiệm về mình nhưng trong một nhà nước đang hướng tới sự vận hành theo pháp quyền thì những gì liên quan đến quyền con người chắc chắn không thể là chuyện “gió thoảng mây bay”. Và hơn thế nữa, không thể và không ai có quyền nhân danh hay sử dụng lợi ích cộng đồng để khỏa lấp cho những hành vi vô trách nhiệm do chính mình gây ra.

Chuyện về “người tù lịch sử” vì thế vẫn chưa đến hồi kết sau một quyết định đình chỉ điều tra bị can nếu chính các cơ quan tố tụng chưa “vạch mặt chỉ tên” chính danh thủ phạm đã “dựng nên “người tù lịch sử” Huỳnh Văn Nén.