Vì sao ĐBSCL “lép vế” so với TP HCM?
(NLĐO)- Năm 1990, GDP của vùng ĐBSCL cao gấp rưỡi GDP của TP HCM nhưng 20 năm sau, tỉ lệ này hoàn toàn đảo ngược.
Đó là nhận định của Viện trưởng Viện Phát triển ĐBSCL Nguyễn Văn Sánh tại hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nam bộ sau 30 năm đổi mới (1986-2015)” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.
Vùng ĐBSCL có đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực (ANLT) và xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, vùng này đóng góp hơn 40% GDP của ngành nông nghiệp, hơn 50% sản lượng lúa quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% tổng lượng thuỷ sản, 75% tổng giá trị xuất khẩu, hơn 70% tổng sản lượng cây ăn quả.
Những thành tựu trên đã giúp ổn định chính trị và xã hội nông thôn, thu ngoại tệ qua xuất khẩu, chống suy dinh dưỡng, tăng thu nhập và tạo việc làm nông thôn; hỗ trợ tích cực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Từ các kết quả này, ĐBSCL đã góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, chống lạm phát và an sinh xã hội do Nhà nước đề ra.
Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng PGS-TS Nguyễn Văn Sánh nhận định: “ĐBSCL đang gặp những thách thức về phát triển kém bền vững. Nếu như năm 1990, GDP vùng ĐBSCL cao gấp rưỡi GDP của TP HCM thì 20 năm sau, tỷ lệ này hoàn toàn đảo ngược. Nguyên nhân của sự đảo chiều này do bất cập về kinh tế cấu trúc chủ yếu dựa vào khu vực 1 (nông nghiệp). Trong khu vực 1, với một thời gian dài chỉ tập trung lúa gạo là chính, gần đây thuỷ sản được quan tâm hơn, nhưng cây ăn quả còn bỏ ngỏ”.
Vì khó phát triển kinh tế khu vực 2 (công nghiệp, xây dựng), khu vực 3 (dịch vụ) nên dẫn đến đời sống của hơn 1,1 triệu hộ trồng lúa, hơn 700.000 hộ trồng cây ăn quả và hơn 1 triệu hộ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân do sản xuất nhỏ lẻ diện tích đất ít mà lại bấp bênh về thị trường và đang bị tác động về biến đổi khí hậu (BĐKH) đến khả năng sản xuất.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Năm 2009, GDP vùng ĐBSCL đứng thứ 3 cả nước nhưng tỷ lệ tổng đường nhựa rải nhựa thấp thứ 2 cả nước, thấp hơn Tây Nguyên và Trung bộ, trong khi giá điện trung bình cao thứ 2 cả nước. 36,4% doanh nghiệp trong vùng có sản phẩm hư hại do chất lượng đường xá kém, mỗi doanh nghiệp thiệt hại trung bình là 25 triệu đồng/năm…”
Vì vậy, ông Sánh cho rằng, cần suy xét lại chính sách an ninh lương thực, có nên tiếp tục duy trì ưu tiên sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo ANLT cho cả nước và thế giới hay không?. “Do đặc thù vùng ĐBSCL trong tương lai gần, nền nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn có lợi thế so sánh. Vì vậy, thực hiện liên kết vùng để phát triển nông nghiệp và ứng với BĐKH là cần thiết”- ông Sánh đề nghị.