Xây sân bay Long Thành vẫn hơn

Đó là nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - sẽ được đưa ra bàn tại Quốc hội hôm nay (4-6)

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nhận định vị trí dự kiến xây sân bay Long Thành phù hợp, thuận lợi trong thi công, ít tác động tiêu cực đến môi trường. Việc xây dựng sân bay này cũng sẽ thuận lợi về nhiều mặt vì có hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư.

“Việc đầu tư giai đoạn 1 của dự án sẽ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến đến năm 2025, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, khi đó Tân Sơn Nhất đã quá tải” - báo cáo nêu rõ.

Đối với phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất nhằm nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng khó khả thi vì việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư quá tốn kém.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng chi phí nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất ước tính khoảng 191.000 tỉ đồng (tương đương 9,1 tỉ USD), bao gồm cả chi phí đền bù, tái định cư khoảng 140.000 hộ dân với khoảng 500.000 nhân khẩu.

Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư và hình thức đầu tư, Ủy ban Thường vụ QH cho biết qua rà soát cho thấy tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5,236 tỉ USD, giảm 2,601 tỉ USD so với khái toán. Nguyên nhân là do phạm vi thu hồi đất giảm từ 5.000 ha xuống còn 2.750 ha dẫn đến kinh phí đền bù, tái định cư giảm 535,04 triệu USD, còn 454 triệu USD. Bên cạnh đó còn có một số điều chỉnh như chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh giai đoạn 1, không đưa các hạng mục đầu tư được triển khai theo phương án xã hội hóa và giảm một số chi phí khác như tư vấn, dự phòng, thuế...

Theo đề xuất của Chính phủ, trường hợp thu hồi 2.750 ha đất thì tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5,23 tỉ USD với cơ cấu như sau: Vốn ngân sách nhà nước 578,5 triệu USD (chiếm 11,1%), vốn ODA 1,386 tỉ USD (chiếm 26,5%), vốn huy động ngoài ngân sách 3.268,8 triệu USD (62,4%).

Ủy ban Thường vụ QH đề nghị thu hồi đất 1 lần cho cả 3 giai đoạn với tổng diện tích 5.000 ha. Khi đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5,45 tỉ USD (tăng khoảng 220 triệu USD so với phương án thu hồi 2.750 ha) với cơ cấu vốn đầu tư như sau: Vốn ngân sách nhà nước 797,5 triệu USD (chiếm 14,62%), vốn ODA 1.389,3 triệu USD (chiếm 25,47%), vốn huy động ngoài ngân sách 3,268 tỉ USD (59,91%). Cơ cấu vốn này chỉ là dự kiến vì chưa lập báo cáo nghiên cứu khả thi nên chưa có sự xác nhận, khẳng định tham gia của các nhà đầu tư (vốn ODA, vốn doanh nghiệp...).