Xóa nhập nhằng công - tư

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô công trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất các chức danh thứ trưởng và tương đương ở trung ương; phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành; chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tập đoàn nhà nước không được sử dụng ô tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Các chức danh này phải thực hiện theo hình thức khoán kinh phí bắt buộc.

Như vậy, theo dự thảo, các quy định về sử dụng xe công đã thay đổi rất nhiều. Thường khi nói về tiêu chuẩn, ta thường quen miệng nói “ông A, B... có tiêu chuẩn” xe riêng, dần dần trở thành thói quen trong cách hiểu và suy nghĩ.

Khái niệm xe riêng ở ta rắc rối hơn các nước khác là xe công nhưng được dùng riêng. Riêng có nghĩa gần như tư. Cụm từ “xe riêng” ở đây không được hiểu theo nghĩa thông thường. Chính sự nhập nhằng công - tư đưa đến không ít nhiễu sự mà công luận nhiều lần phê phán. Cơ quan nhà nước cũng hay dùng xe công đi lễ hội, đi chùa. Vì vậy, ở diễn đàn Quốc hội có vị đại biểu không ngần ngại lên tiếng gọi việc sử dụng xe riêng không đúng tiêu chuẩn, mục đích sử dụng là “tội tham nhũng và phải xử về tội tham nhũng”.

Ở một số nước tuy giàu có nhưng xe công rất ít, chỉ có bộ trưởng được coi là chính khách mới được cấp xe riêng, số này không quá vài chục người. Thậm chí, nhiều nước đến thủ tướng cũng dùng xe công khi hoạt động có tính chất công vụ, còn hoạt động riêng tư đều phải dùng taxi trả tiền như mọi người.

Ở ta thì hay nhập nhằng công - tư, nói thẳng ra là dùng xe công phục vụ quá đáng cho nhu cầu cá nhân. Có lẽ nên quy kết “đặc quyền đặc lợi” là hợp lý hơn. Lúc đầu xuất phát từ những chế độ chính sách riêng nhằm bảo đảm và tạo điều kiện cho một số đối tượng, chức danh có điều kiện để phục vụ sự nghiệp chung tốt hơn. Dần dần, lâu ngày nó chuyển hóa thành đặc quyền đặc lợi, thiên về lợi lộc nhiều hơn. Cái đáng chú ý là những người được hưởng chế độ này thường quan tâm ở khía cạnh lợi lộc lâu ngày thành thói quen, nguy cơ chuyển thành thứ văn hóa “ăn trên ngồi tróc”. Chính vì thế, không ai mặn mà với chủ trương khoán xe vì sẽ mâu thuẫn giữa cái hữu hạn là tiền chi trả cho việc dùng taxi đến công sở và vô hạn là nhu cầu cá nhân cần được thỏa mãn.

Mỗi năm ngân sách phải chi gần 13.000 tỉ đồng thuê lái xe, bảo dưỡng, sửa chữa, xăng dầu... cho 40.000 xe công trên cả nước, nghe mà giật mình.

Để chuẩn bị cho chuyện khoán xe, gần một năm nay, Bộ Tài chính đã tiên phong áp dụng chế độ khoán xe cho các thứ trưởng và cấp tổng cục trưởng thuộc bộ. Chúng ta kỳ vọng sau khi có quyết định của Thủ tướng thì sẽ hạn chế việc lạm dụng xe công, góp phần tiết kiệm ngân sách.