Xói mòn niềm tin

Cuối cùng thì phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 cũng đã được “chốt hạ” trong phiên họp ngày 7-8. Mức đề xuất tăng trung bình 6,5% không làm hài lòng cả đại diện người lao động (NLĐ) lẫn đại diện người sử dụng lao động.

Tổ chức Công đoàn cho rằng nếu năm 2018, LTT vùng tăng 6,5% thì phải đến năm 2020, NLĐ mới được sống với mức tối thiểu. Trong khi đó, đại diện giới chủ lại than vãn số doanh nghiệp thành lập mới cũng suýt soát số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bởi làm ăn khó khăn, thua lỗ; khuyên NLĐ không nên chỉ trông chờ vào việc tăng LTT vùng hằng năm mà hãy tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật, làm việc có kỷ luật…

Đứng vai trò trọng tài, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội «dĩ hòa vi quý» bằng ý kiến mức chênh lệch giữa LTT và nhu cầu sống tối thiểu là vấn đề của tất cả quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Ngay cả ở Mỹ, LTT vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Với 3 luồng ý kiến "đá nhau" như vậy thì con số 8/14 phiếu thuận, chỉ vừa "quá bán" một chút, để dư luận không dị nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia họp 3 phiên mà chẳng ra được cơm cháo gì! Mỗi bên đều có lý lẽ của mình, trong khi thực tế là NLĐ sẽ tiếp tục sống dưới mức tối thiểu - mức sống được pháp luật quy định từ cách đây 22 năm khi Bộ Luật Lao động đầu tiên có hiệu lực thi hành.

Xin trở lại ý kiến của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, về việc NLĐ không nên trông chờ vào việc tăng LTT vùng hằng năm. Thế thì theo ông, họ nên trông chờ vào điều gì một khi mức sàn của nhu cầu sống vẫn chưa được bảo đảm? Người xưa có câu: "Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện". Khi NLĐ thiếu đói về thể chất, nghèo nàn về tinh thần thì liệu họ có thể làm việc với năng suất, chất lượng cao hay không? Liệu tinh thần họ có thể vui vẻ, phấn chấn để lao động thăng hoa thành sáng kiến cải tiến hay không?

Đúng, mức sống tối thiểu là vấn đề của mọi quốc gia. Thế nhưng, mức sống tối thiểu của một người đang sống ở quốc gia có thu nhập bình quân đầu người mấy chục ngàn USD sẽ rất khác so với mức sống tối thiểu của người dân một quốc gia vừa ra khỏi danh sách các nước chậm phát triển như Việt Nam. Hàng chục triệu NLĐ trong các cơ sở sản xuất ở Việt Nam chỉ mong được cơm no áo ấm; được nghỉ ngơi, vui chơi, học hành; không còn phải ăn bữa nay, lo bữa mai. Thế nhưng, điều đó sau 22 năm Bộ Luật Lao động ra đời vẫn chỉ là lý thuyết suông. Vậy nên, ông chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đừng so sánh khập khiễng như vậy. 

Dù có nói thế nào đi nữa thì "nhu cầu sống tối thiểu" vẫn sẽ là một món nợ mà càng chậm trả ngày nào thì niềm tin của NLĐ càng bị xói mòn ngày ấy…